Bình Thuận tập trung giải pháp giảm chi phí sản xuất vụ đông xuân

         Bình Thuận bước vào vụ đông xuân 2022 - 2023 với định hướng tạo chuyển biến lớn trong giảm lượng giống gieo sạ, lan tỏa áp dụng canh tác thông minh, tiết kiệm chi phí... 
         Bón phân cân đối, tiết kiệm, giảm lượng giống gieo sạ
         Những ngày này, nông dân tỉnh Bình Thuận đang tập trung gieo sạ vụ đông xuân 2022 - 2023 theo khung thời vụ của ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo.

         Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, vụ đông xuân này, toàn tỉnh gieo trồng hơn 47.000ha cây hàng năm; trong đó 39.150ha cây lương thực gồm lúa 36.415ha, bắp 2.735ha. Khung thời vụ chung trên địa bàn tỉnh là từ ngày 25/11/2022 đến 20/01/2023, song tập trung xuống giống trong thời gian từ 5/12/2022 đến 5/1/2023.
         Những giống lúa sản xuất đại trà gồm ML 48, ML 202, ML214, TH 6... cùng các giống lúa của Viện Lúa ĐBSCL và các tổ chức, cá nhân được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức, phù hợp với vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh.
         Theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, để đảm bảo sản xuất vụ đông xuân thắng lợi, các địa phương cần nắm chắc diễn biến thời tiết, lượng nước tại các hồ chứa trên địa bàn để có kế hoạch bố trí sản xuất hiệu quả. Các địa phương căn cứ tùy theo điều kiện nguồn nước và dự báo rầy nâu di trú của Chi cục Trồng trọt và BVTV để triển khai xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy cho từng khu vực, từng cánh đồng.
         Mỗi vùng nên bố trí 2 – 4 giống chủ lực và mỗi giống chiếm từ 20 - 25% tổng diện tích gieo trồng. Tuy nhiên tùy theo điều kiện thực tế các giống đang canh tác, khả năng cung ứng giống, cũng như điều kiện đất đai, khí tượng thuỷ văn của từng tiểu vùng mà các địa phương xác định các giống lúa cho thích hợp.
         Ngành nông nghiệp Bình Thuận khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa xác nhận để gieo trồng nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng từ 90 – 105 ngày.
         Lượng giống lúa gieo sạ từ 120 - 150kg/ha, không gieo dày trên 150kg/ha để dễ quản lý sâu bệnh hại. Ngoài ra, nông dân cần bón phân cân đối (bón đạm vừa phải, tăng cường thêm kali, lân), tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ và áp dụng các quy trình canh tác lúa tiên tiến, tiết kiệm như "3 giảm 3 tăng", 1 phải 5 giảm", SRI, nông - lộ - phơi... để tiết kiệm nước.

         Trong quá trình sản xuất, các địa phương cần bám sát đồng ruộng, theo dõi, dự tính dự báo để chỉ đạo sản xuất cũng như có phương án ứng phó, chủ động tổ chức phòng chống để xử lý kịp thời, không để sâu bệnh hại phát sinh trên diện rộng.
         Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra hệ thống thủy lợi, cải tạo, nâng cấp thủy lợi nội đồng để chủ động tích trữ nước khi vào mùa khô hạn. Nghiên cứu chỉ đạo thực hiện xây dựng cánh đồng lớn cả về diện tích, số lượng, hình thức hợp tác để tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, gắn sản xuất với tiêu thụ, nâng cao giá trị của sản phẩm…
         Nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm, tưới tiên tiến
         Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, đến ngày 21/12, dung tích hữu ích hiện tại của 18 hồ đập trên địa bàn tỉnh là 337 triệu m3, đạt 80,5% so với dung tích hữu ích thiết kế. Đối với hồ thủy điện Đại Ninh, Hàm Thuận, hiện mức nước đều đạt hơn 81% so với dung tích hữu ích thiết kế. Vì vậy việc cấp nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2022 – 2023 khá thuận lợi.

         Tuy nhiên để việc cấp nước tưới phục vụ sản xuất hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận triển khai gia cố hồ đập, tu sửa kênh mương, kiểm tra hệ thống đê bao; đồng thời chỉ đạo các chi nhánh của Công ty thường xuyên kiểm tra, điều tiết, cân đối nguồn nước các hồ chứa để đảm bảo cấp nước suốt vụ đông xuân.
         Đối với Chi cục Thủy lợi tỉnh, cần phổ biến các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến cho cây lúa và cây trồng cạn như SRI, nông – lộ - phơi, tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa để các địa phương áp dụng thực hiện.
         Đối với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, tiếp tục chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về sản xuất theo hướng bền vững, thâm canh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp cũng như phổ biến hướng dẫn kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả. Hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả, đảm bảo thời gian cách ly khi sử dụng thuốc BVTV; không nên lạm dụng thuốc BVTV, bón thừa phân đạm...
         Sở NN-PTNT Bình Thuận yêu cầu Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh phối hợp với các cơ quan chuyên môn liên quan của UBND các huyện, thành phố, thị xã bố trí cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến rầy nâu, đốm nâu trên thanh long, sâu keo mùa thu, bệnh khảm lá mì... Cùng với đó tăng cường công tác dự tính, dự báo sát với tình hình sâu bệnh hại nhằm tham mưu kịp thời các phương án xử lý khi có dịch bệnh xảy ra…

                                              Nguồn: Theo báo nongnghiep.vn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang