Khó khăn về chỉ tiêu nước sạch theo tiêu chí nông thôn mới

         Với chỉ tiêu nước sạch theo tiêu chí mới được ban hành, hàng loạt xã ở khu vực miền núi tỉnh Bình Thuận sẽ khó có thể đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 
         Khó khăn về chỉ tiêu nước sạch
         Ông Ngô Thanh Huy, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Thuận cho biết, năm nay toàn tỉnh có 7 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, tại huyện miền núi Đức Linh đăng ký 6 xã gồm Mê Pu, Nam Chính, Đức Hạnh, Vũ Hòa, Trà Tân, Đông Hà.

         Theo ông Huy, đến nay 6 xã trên về cơ bản 19 tiêu chí đã đạt, vì mới về đích nông thôn mới vào năm 2020. Tuy nhiên theo số liệu Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường đã được UBND tỉnh công bố tại Quyết định số 780/QĐ-UBND ngày 23/3/2022 thì chỉ có xã Trà Tân có tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch (nước máy) đạt 56,33%, tức đạt tiêu chí nước sạch xã chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Nhưng các xã còn lại có tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung chỉ đạt dưới 20%, không đạt theo quy định tối thiểu 50%.
         Ông Trần Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận, cho biết, để giúp các địa phương hoàn thành chỉ tiêu nước sạch trong xây dựng nông thôn mới. Ngày 5/9/2022, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1826 về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
         Theo đó, tại huyện Đức Linh được đầu tư 2 danh mục công trình cấp nước gồm nâng cấp nhà máy nước thị trấn Võ Xu và mở rộng tuyến ống cấp nước xã Nam Chính và Vũ Hòa; Trạm bơm tăng áp và tuyến ống cấp nước xã Sùng Nhơn và ĐaKai; với tổng mức đầu tư 53,774 tỷ đồng. Sau đó, tỉnh cũng có Quyết định số 1827 về việc giao dự toán ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2022; trong đó có bố trí 200 triệu đồng thực hiện chuẩn bị đầu tư 2 danh mục nêu trên địa bàn huyện Đức Linh.
         Theo ông Liêm, đến nay Trung tâm đang thực hiện lập và trình phê duyệt dự án theo đúng quy định, dự kiến sẽ triển khai thi công trong năm 2023. Sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, Trung tâm sẽ phối hợp với địa phương triển khai lắp đặt đồng hồ nước cho người dân, nhằm tăng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, phấn đấu đạt tiêu chí nước sạch xã nông thôn mới nâng cao.
         Cần giải pháp lâu dài
         Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, về lâu dài để góp phần xây dựng nông thôn mới, đảm bảo cấp nước bền vững cho người dân, Trung tâm đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan tiếp tục quan tâm phân bổ nguồn vốn đầu tư, nâng cấp mở các công trình cấp nước trên địa bàn các huyện với vị trí xây dựng nhà máy nước liền kề các công trình thủy lợi có quy mô lớn hoặc sông lớn của tỉnh nhằm đảm bảo có nguồn nước thô ổn định trong mùa khô hạn.

         Từ đó giúp các nhà máy nước vận hành thường xuyên, liên tục, tránh bị gián đoạn; cũng như tạo điều kiện thuận lợi thực hiện công tác bảo vệ an ninh, an toàn nguồn nước thô cung cấp cho các công trình cấp nước đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu và bền vững; chú trọng việc đầu tư nâng cấp mở rộng các công trình cấp nước hiện có theo hướng nâng công suất và cải thiện chất lượng nước cấp đáp ứng yêu cầu lưu lượng và đạt chất lượng nước theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế;
         Về phía Trung tâm tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động thông tin giáo dục, truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần nâng cao ý thức và hành động bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý và giữ gìn nguồn nước sạch trong cộng đồng. Đồng thời tăng cường tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý vận hành, bảo dưỡng các công trình cấp nước theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo hoạt động bền vững và đẩy mạnh công tác giám sát chất lượng nước tại công trình cấp nước đạt quy chuẩn của Bộ Y tế.
         Trung tâm cũng sẽ nâng cao năng lực quản trị của các đơn vị quản lý vận hành công trình cấp nước nông thôn tiệm cận đơn vị cấp nước đô thị; từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học công nghệ trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là về công nghệ thông tin và tự động hóa trong hoạt động cấp nước nông thôn, đảm bảo hầu hết công trình cấp nước đều hoạt động bền vững và thực hiện tốt kế hoạch cấp nước an toàn.
         Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, cho biết, vừa qua tỉnh đã bố trí nguồn vốn nông thôn mới Trung ương cho huyện Đức Linh, trong đó dành 20% vốn đầu tư phát triển để đầu tư công trình nước sạch phục vụ xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên việc đầu tư này chỉ mới đầu tư tuyến ống chính, còn các ống nhánh qua các khu dân cư tập trung vẫn chưa đầu tư nên dân khó tiếp cận nước sạch. Do đó, để giúp các địa phương hoàn thành chỉ tiêu nước sạch trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, tỉnh cần bố trí thêm nguồn vốn. Còn các địa phương cần vận động người dân cố gắng thực hiện xã hội hóa bắt nước từ những tuyến nhỏ để đưa nước vào sử dụng.

                                                      Nguồn: Theo báo nongnghiep.vn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang