Khổ như lực lượng chuyên trách!

         Gian nan nhất, khổ cực nhất ngành lâm nghiệp phải gọi tên lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, họ có danh nhưng chẳng có quyền lợi.... 
         Lầm lũi chốn rừng thiêng nước độc
         Nhà nước chưa có chính sách cụ thể, quy định rõ ràng quyền lợi cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, lỗ hổng kéo dài đằng đẵng hình thành nhiều mối nguy cơ tiềm tàng cho ngành lâm nghiệp.
         Xuất phát từ đòi hỏi thực tế, giai đoạn 2016 - 2020 UBND tỉnh Nghệ An buộc phải xin cơ chế đặc thù cho lực lượng này, qua đó áp dụng mức 100.000 đồng/ha/năm. Vẫn biết nguồn này không đáp ứng được nhu cầu, không đảm bảo được cuộc sống của người giữ rừng, nhưng có còn hơn không.

         Trao đổi với Nông nghiệp Việt Nam, các chủ rừng và số đông người lao động thuộc lĩnh vực lâm nghiệp đều thừa nhận sự thật chua chát: “Chế độ, chính sách lúc này không đủ để níu chân, dù yêu rừng, yêu nghề đến mấy cũng khó duy trì, với tình trạng này sẽ có nhiều người bỏ việc hơn nữa”.
         Nhận định trên hoàn toàn xác đáng, phản ánh chân thực bức tranh khốn khó. Để bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh hơn, chúng tôi xin được đề cập đến nỗi gian truân, vất vả của những người mang phận “chuyên trách” đang ngày đêm miệt mài với công tác giữ rừng tại huyện Quỳ Châu, thủ phủ đá đỏ từng gây huyên náo một thời.
         Trưởng ban Trần Ngọc Kiên thông tin, Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH) Quỳ Châu thành lập năm 2003 trên cơ sở chuyển đổi từ Lâm trường Hồng Chân, hiện đang quản lý 19.992 ha, bao gồm 17.300 ha rừng phòng hộ, số còn lại là rừng sản xuất. Ban có 5 trạm, quản lý 6 xã thuộc địa bàn huyện Quỳ Châu, do điều kiện đặc thù ,có 2 xã nằm giáp ranh với địa phận của 2 huyện Quế Phong và Quỳ Hợp, 1 xã khác giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa. Diện tích rừng quản lý nằm tại khu vực xung yếu, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh, dân lại phụ thuộc vào rừng nên nguy cơ xâm hại cao.
         “Từ trước đến nay chưa có chính sách để đảm bảo lương cho lực lượng 2B (bảo vệ rừng chuyên trách), mà giai đoạn 2016 – 2018 chỉ vận dụng từ nguồn hỗ trợ 100.000 đồng/ha/ năm. Kinh phí này phân bổ rất chậm, thường phải qua 8 tháng, 10 tháng, thậm chí sau 1 năm mới đến tay anh em.
         Ngoài chế độ nhà nước trên lâm phần quản lý của Ban thì các dịch vụ kèm theo rất ít, không đáng kể. Cụ thể như kinh phí dịch vụ môi trường rừng từ lưu vực của thủy điện Nậm Pông được 70.000 đồng/ha, tính bình quân mỗi năm chỉ dao động 250 – 300 triệu. Kinh phí này một phần chi trả cho dân, phần khác cân đối chi trả cho người lao động, nhìn chung rất khó khăn”, ông Kiên khẳng định.
         Trong khi áp lực bảo vệ rừng đặt ra cực lớn, cả Cấp ủy và lãnh đạo Ban đều có quan điểm xuyên suốt là thường xuyên, liên tục tuần tra bảo vệ rừng, 1 cây cũng không để mất. Quyết tâm là vậy nhưng quá trình thực hiện không hề đơn giản, nhất là khi đại bộ phận dân bản còn trông chờ vào rừng, nhiều trường hợp sẵn sàng… phạm pháp để có được đất sản xuất.
         Có lẽ chẳng ở đâu trên địa bàn Nghệ An việc xâm lấn rừng lại phức tạp và khó đoán như Quỳ Châu. Bên cạnh số ít trường hợp manh động, chủ đích chặt phá rừng cấm, phần nhiều phá hoại “bài bản” bằng cách ken cây, lấn chiếm lần hồi từng ít một, xen lẫn vào đó có cả trường hợp xúi dục các đối tượng nghiện ngập vào khai thác nhằm làm suy giảm diện tích rừng tự nhiên, tăng diện tích rừng trồng.
         Trước đây khi rừng còn nguyên sơ, BQL RPH Quỳ Châu chỉ cần bố trí độc nhất Trạm bảo vệ rừng Châu Bính là có thể quản lý cả vùng rộng 13.000 ha. Nhưng khi nhà nước có chủ trương xây dựng đường quốc phòng vào năm 2018, một tuyến đường dài 13 km xuyên thẳng qua lâm phần rừng phòng hộ vắt sang tận thôn Thống Nhất, xã Thanh Quân (Như Xuân, Thanh Hóa) công tác bảo vệ rừng bắt buộc phải chuyển hướng.

         Đường mở thẳng băng tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào giao thương buôn bán, nâng tầm mức sống nhưng cũng gia tăng áp lực giữ rừng lên gấp bội phần. Rừng trăm phương ngàn hướng nhưng nhân lực, sức vóc có hạn, do đó công tác quản lý, bảo vệ rừng nơi chốn rừng thiêng nước độc đối diện với muôn vàn khó khăn, trắc trở. Người có trọng trách giữ rừng, kẻ âm thầm tác động, cứ thế mâu thuẫn khó tránh khỏi.
         Đỉnh điểm là năm 2021, trong lúc tuần tra tại Tiểu khu 155 A và 155 B lực lượng bảo vệ rừng Châu Bính phát hiện 3 đối tượng có hành vi phá rừng đã nhanh chóng vây ráp. Bất thình lình, 2 đối tượng điên cuồng chống trả, một trong số đó hung hãn dùng dao tấn công, chém thẳng vào đầu của anh Đặng Xuân Sao. May thay anh Sao chủ động cảnh giác, kịp thời cúi đầu nên nhát dao chỉ sượt qua mũ cối, bằng không hậu quả khôn lường. Vụ việc sau đó bị cơ quan chức năng tiến hành khởi tố, qua đó gióng lên hồi chuông báo động về tính mạng của những người giữ rừng.
         Nặng trĩu âu lo khi tết đến xuân về
         Xét các yếu tố Trạm Quản lý, Bảo vệ rừng (QLBVR) Châu Hội (BQL RPH Quỳ Châu) thuộc diện khó khăn nhất. Trạm có 3 người, trực tiếp quản lý hơn 5.000 ha thuộc 2 xã Châu Hội, Châu Thuận và 1 phần của xã Châu Bính. Địa bàn chủ yếu vùng sâu, vùng xa, nếu hoạt động đơn thương độc mã sẽ vô cùng bất trắc, mà dồn cả về một điểm thì cũng chỉ được dăm ba ngày, chung quy không thể dàn trải cả tháng.
         Đường quốc phòng hình thành là lý do Trạm QLBVR Châu Hội ra đời, dẫu đã chủ động xây dựng kế hoạch, lên phương án tỉ mẫn nhưng lắm lúc vẫn không lường hết được, khó nhằn nhất là tình trạng xâm lấn trái phép của người dân bản Thanh Quân (Như Xuân, Thanh Hóa) tràn sang.

         Hơn 10 năm trong nghề, luân chuyển qua 3 trạm, anh Bạch Sỹ Lĩnh, SN 1988, quê tít ở Thanh Chương hiểu rõ nằm lòng tính chất công việc, bản thân anh có vô số những kỉ niệm “nhớ đời” mà mỗi khi ngẫm lại vẫn không tránh khỏi những phút giật mình, thảng thốt.
         “Mới năm ngoái thôi, tại địa điểm giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi phát hiện một nhóm người dân thôn Thống Nhất đang 'xẻ gỗ' trái phép. Tức thì 3 anh em bàn bạc, nhanh chóng lên phương án ứng phó. Chẳng nề nà, Trạm trưởng Lê Quang Thanh nhào đến định thu giữ phương tiện gây án. Bất thần một đối tượng rồ ga hoạt động cưa xăng rồi hướng thẳng vào anh Thanh, lưỡi cưa bén ngọt lướt qua trong sự ngỡ ngàng của tôi và đồng nghiệp Trần Việt Giang. Tưởng như viễn cảnh xấu nhất đã xảy đến thì may thay lưỡi cưa chỉ sượt qua phần mềm, lúc này các đối tượng toan bỏ chạy. Chúng tôi chỉ có 3 người, trong tay không có công cụ hỗ trợ, lại không có chế tài xử phạt nên việc truy đuổi là không thể”.
         Chia sẻ thêm về cuộc sống đời thường, anh Lĩnh cho hay vợ con vẫn ở quê. Vợ làm thuê, lương thấp, thu nhập hàng tháng của 2 vợ chồng chưa nổi 8 triệu đồng, thành thử 2 cô con gái rượu, cháu đầu 6 tuổi, cháu sau 3 tuổi đành nhờ ông bà nuôi hộ: “Chỉ còn tháng nữa là Tết Nguyên đán, bao nhiêu thứ phải lo toan mà tiền bạc chẳng thấy đâu, lắm lúc cám cảnh xót thay cho phận mình. Cánh bảo vệ rừng chuyên trách chúng tôi đã quá quen với việc vay mượn, lấy chỗ này đập chỗ kia, cuối năm tất toán một thể (cười xòa). Thú thực đã có lúc tôi dự định bỏ nghề rồi đấy, dù vậy 1 năm, 2 năm còn gắng gượng được chứ 15, 20 năm lại là câu chuyện khác”.
         Các Ban Quản lý rừng phòng hộ, Công ty Lâm nghiệp và Tổng đội Thanh niên xung phong trên địa bàn Nghệ An được giao quản lý hơn 318.000 ha rừng, trong đó lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách quán xuyến đến 131.000 ha. Công việc hết sức nặng nề, áp lực thường trực bủa vây nhưng thu nhập không hề tương xứng. Theo chia sẻ của người trong cuộc, ngày lễ họ được nhận 100.000 đồng/ người gọi là, thưởng tết chỉ gói gọn khoảng 1 triệu đồng, trường hợp không may liên đới đến phá rừng cơ bản chẳng có gì sất.
         Cùng phận chuyên trách bảo vệ rừng, anh Trần Việt Giang cũng thấu hơn ai hết nỗi cơ cực của nghề này. Chia sẻ lịch trình, anh Giang kể hàng tuần, hàng tháng đơn vị đều lên kế hoạch để tuần tra bảo vệ, thế nhưng rừng rú mênh mông, cửa ra vào nhiều vô nên khó kham hết. Thường trong tháng sẽ triển khai 3, 4 đợt tuần tra, riêng kiểm tra thường nhật thì liên tục không ngơi nghỉ, bất kể ngày đêm. Cực nhất là những chuyến tuần rừng trên đỉnh Pù Tôn, nơi có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Vì cao chót vót nên ẩm độ nơi đây thấp hơn bình thường, ngay mới chớm đông đã lạnh cắt da cắt thịt, đến con thú hoang trong rừng sâu còn ngần ngại ra khỏi tổ ấm nhưng phận giữ rừng vẫn phải túc trực, quán xuyến 24/24h.
         Anh Giang là con nhà nòi, cha anh vốn là cán bộ lâu năm của Lâm trường Hồng Châu, cũng bởi thừa hưởng tình yêu rừng mãnh liệt nên đói khổ đến mấy cũng chẳng nề hà. Dù vậy, bản thân anh cũng ý thức được rằng chế độ, chính sách lúc này chẳng hề tương xứng: “Nhà nước cần nhìn nhận đúng vai trò của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, để từ đó có những điều chỉnh phù hợp hơn. Người giữ rừng cũng có gia đình phải chăm lo, cũng gánh trên vai vô vàn áp lực, mức thu nhập hiện tại chung quy không đủ”. 
         Tại Trạm QLBVR Châu Hội, chỉ duy nhất anh Lê Quang Thanh không phải lực lược chuyên trách bảo vệ rừng. Anh Thanh vào nghề từ 2004, sau gần 20 năm cống hiến đang nhận mức lương 5,4 triệu: “Có đồng cam cộng khổ mới thấu hiểu hết nỗi gian truân của người giữ rừng, nhất là lực lượng 2B. Thương anh em bảo vệ rừng chuyên trách, đồng lương ít ỏi mà chẳng bao giờ nhận đúng ngày, đúng tháng. Bản thân tôi là viên chức nhưng thu nhập chỉ nhỉnh hơn chút đỉnh, lại còn gánh nặng gia đình nhưng lắm lúc phải san sẻ, cùng nhau rau cháo qua ngày”.

                                                                Nguồn: Theo báo nongnghiep.vn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang