Những mùa xuân chia ly

         Trong 3 năm có tới 30 nhân viên của Công ty Lâm nghiệp Krông Bông xin nghỉ việc. Mỗi dịp Tết đến, xuân về lại thấy cảnh kẻ ở, người đi, bùi ngùi, bịn rịn... 
         Nhìn vào khó khăn của ngành lâm nghiệp trong những năm gần đây, ước mơ có cái Tết đầy đủ của nhân viên bảo vệ rừng rất xa vời.
         Lấy gì chúc Tết mẹ, cha?
         Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Hồ Tấn Đường (34 tuổi) từ huyện Krông Bông đến huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) cách nhà hơn 100km để làm nhân viên quản lý, bảo vệ rừng cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy.
Anh Đường bắt đầu vào làm cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy từ cuối năm 2013 đến nay hơn 9 năm với mức lương 4,2 triệu đồng/tháng, không có phụ cấp.
         Sau 9 năm làm việc tại đây, anh Đường quen và cưới vợ sinh con. Tuy nhiên do đồng lương ít ỏi, vợ không có việc làm, gia đình nhỏ của nhân viên bảo vệ rừng này phải mượn tạm căn nhà cũ của một hộ dân để ở.
         “Vợ không có việc làm, chỉ loay hoay nông nghiệp, con còn nhỏ nên với mức lương như hiện nay không đủ sinh hoạt gia đình. Bây giờ cũng không biết tính sao”, anh Đường nghẹn ngào.

         Theo nhân viên bảo vệ rừng này, mặc dù làm việc cách gia đình bố mẹ hơn 100km nhưng một năm chỉ về thăm nhà được vài lần. Vì mỗi lần về nhà đi lại tốn một khoản chi phí nên rất cân nhắc.
         “Lương không đủ sống buộc phải xoay sở khắp nơi. Nhiều lúc cũng nghĩ đến phương án làm việc khác. Tuy nhiên học lâm nghiệp đi xin việc khác cũng khó khăn. Mọi năm công ty không thưởng tết mà thay vào đó hỗ trợ cho nhân viên từ 1-2 triệu đồng để an ủi. Tôi cũng mong muốn cơ chế có sự thay đổi, nâng mức lương cơ bản lên để bằng với mặt bằng chung của xã hội và phù hợp với đặc thù công việc.          Chứ thật sự giờ chỉ mong có đủ tiền lo cho gia đình hàng tháng chứ cũng chưa nghĩ đến Tết sẽ như thế nào”, anh Đường chia sẻ.
Người này cho biết thêm, Tết năm nay vợ chồng sẽ ở lại chứ không về nhà vì dành tiền lo cho con nhỏ. “Bố mẹ nuôi ăn học rồi đi làm hơn 9 năm nay nhưng với mức lương không đủ lo cho gia đình nên cũng không phụ cấp gì được cho bố mẹ. Nhiều lúc cảm thấy tủi thân”, anh Đường nói thêm.
         Dưới cái lạnh những ngày cuối năm tại khu vực trạm bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, anh Ngô Thành Định (38 tuổi, ngụ huyện Krông Bông) luôn đau đáu nghĩ về cái Tết cận kề.
         Anh Định vào công tác tại công ty từ khi mới ra trường, đến nay đã gắn bó với việc bảo vệ rừng hơn 15 năm. Từ khi vào công ty đến nay, chưa năm nào anh Định có cái Tết đầy đủ vì lương, thưởng rất thấp.
         “Năm thưởng Tết cao nhất của tôi là 3 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ mua cho con mấy bộ quần áo mới, vài cân thịt để lo Tết”, ông Định thông tin.
         Theo anh Định gia đình hiện có 3 con nhỏ, cộng thêm mẹ già nhưng hai vợ chồng làm cán bộ lương chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng. “Công việc quản lý bảo vệ rừng thường trực cả tuần mới về với gia đình một ngày. Công tác quản lý bảo vệ rừng lương khá thấp so với mặt bằng chung. Mặt dù lương thấp nhưng hầu hết anh em học lâm nghiệp nên bám trụ với nghề để sống qua ngày.
         Năm nay công ty dự kiến thưởng một tháng lương thì sẽ mua cho con ít quần áo, bánh ngon. Còn nếu chỉ có lương tháng 1 thì gói gọn, mua vài ký thịt, những thứ cần thiết nhất cho ngày Tết. Điều kiện tới đâu thì gia đình ăn Tết tới đấy chứ mơ ước như những nhà khác cũng không được. Thấy con tội, thua thiệt với các bạn thì cũng cắn răng chịu chứ gắng bó với ngành lâm nghiệp thì phải chấp nhận”, anh Định nói.
         Theo tính toán, mỗi năm anh Định chỉ nhận khoảng 60 triệu đồng tiền lương, nhưng phải đóng tiền ăn hết 15 triệu đồng. Ngoài ra xăng xe đi lại hơn 10 triệu đồng, như vậy số tiền đưa về cho gia đình không còn bao nhiêu. Với mức lương thấp như hiện nay nhiều lần anh Định nhiều lần cũng muốn xin nghỉ việc.
         “Số tiền này đưa về gia đình cũng không đủ trang trải. Nói thật vợ không bỏ là điều may mắn đối với nhân viên bảo vệ rừng như chúng tôi. Không có thời gian lo cho gia đình, tiền lương đưa về thấp. Nói thật các người vợ của nhân viên quản lý bảo vệ rừng rất tội”, người này nói thêm.
         Nói về tương lai, ông Định nói bản thân bây giờ không có vốn, nếu nghỉ việc ra ngoài cũng không biết làm gì. “Tôi phải cố gắng bám víu mỗi tháng kiếm vài triệu đồng mua mắm cho con. Nhiều trường hợp khó khăn, họ xin ra làm ngoài có thu nhập ổn định mình rất ham nhưng hoàn cảnh nên đành chấp nhận”, ông Định chia sẻ.
         Phó Giám đốc ... cũng xin nghỉ việc
         Theo những công ty lâm nghiệp tại Đắk Lắk, hiện doanh nghiệp xoay sở đủ tiền trả lương cho nhân viên là mừng, còn vấn đề thưởng Tết thì rất khó.
         Ông Phạm Tấn Việt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy cho biết, lương cơ bản của nhân viên tại doanh nghiệp bình quân hơn 4 triệu đồng/người/tháng. So với mặt bằng chung thì quá thấp nhưng đặc thù công việc lại rất khó khăn.

         “Hiện nay nguồn ngân sách hỗ trợ không đủ cân đối để bố trí quỹ lương cho nhân viên. Đối việc đầu tư sản xuất kinh doanh thì công ty không có vốn. Công ty có đăng ký các ngành nghề nhưng thật ra không hoạt động gì cả mà chủ yếu làm dịch vụ công ích”, ông Việt nói.
Theo ông Việt, nguyên nhân là do diện tích rừng tự nhiên ít nhưng tổng diện tích đất, rừng do đơn vị quản lý rộng. Cụ thể, tổng diện tích rừng do đơn vị quản lý là gần 11 ngàn ha, trong đó 5.000ha rừng tự nhiên còn lại là đất lâm nghiệp.
         Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy có 32 cán bộ, nhân viên nhưng đã nghỉ việc còn 26 người do lương thấp, công việc nặng nhọc, khó khăn. Hiện 8 nhân viên, trong đó có Phó Giám đốc đã nộp đơn xin nghỉ vì nguyên nhân tương tự.
         “Do mức lương thấp, không có nguồn thu nên Tết năm nay công ty không có thưởng cho nhân viên. Việc đảm bảo có nguồn lương cho anh em đã rất mừng. Những năm trước công ty cố gắng hỗ trợ mỗi nhân viên 1-2 triệu đồng trong dịp Tết nhưng năm này thì không có. Nhìn anh em khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống nhất là vào dịp Tết, bản thân làm lãnh đạo rất xót nhưng lực bất tòng tâm”, ông Việt chua xót.
         Còn ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông cho biết, đơn vị cũng đang tìm nguồn để có thể thưởng Tết cho nhân viên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp này vẫn chưa cân đối được ngân sách nên cũng chưa biết thưởng Tết như thế nào. “Cuối năm mà không có thưởng cho anh em sắm Tết cho gia đình thì rất tội. Nhưng công ty gặp khó nên đánh chịu”, ông Tuấn nói.
         Theo ông Tuấn, tổng diện tích đất, rừng do công ty quản lý là hơn 24 ngàn ha với 79 nhân viên. Hiện nay nguồn thu chủ yếu của công ty là dịch vụ môi trường rừng. Đối với hoạt động kinh tế, công ty không có vốn nên chỉ liên kết với dân trồng keo, mỗi năm nguồn thu không đáng kể.
         “Hiện nay so với mặt bằng chung nguồn thu nhập rất thấp. Nhân viên phải ở lại rừng cả tháng mới được về nhà, diện tích quản lý lớn dẫn đến trách nhiệm cao. Do khó khăn nên trong 3 năm qua có 30 nhân viên của công ty xin nghỉ việc. Ban giám đốc chỉ cố gắng động viên anh vượt qua khó khăn chứ không biết làm sao”, ông Tuấn chia sẻ.

                                                 Nguồn: Theo báo nongnghiep.vn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang