Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Thủ tướng Chính phủ làm việc với Thanh tra Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách
Lượt xem: 421
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những nội dung quan trọng về công tác thanh tra trong thời gian tới

Chiều ngày 26/5/2021, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất. Trong nội dung làm việc, Thủ tướng đã nhấn mạnh một số nội dung quan trọng như sau:

- Thanh tra là để phục vụ cho sự phát triển, để phòng ngừa, răn đe, uốn nắn, xử lý công bằng trước pháp luật; việc của thanh tra là việc khó, phức tạp, nhạy cảm, cho nên phải giữ đúng nguyên tắc, thực hiện dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, lấy hiệu quả là chính và tạo sự thống nhất để làm; cùng với đó phải bản lĩnh, cương quyết, quyết tâm rất cao; nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào phải dứt việc đó; phải kiên trì, cầu thị, lắng nghe và nắm chắc, bám sát vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chủ động phân cấp, phân quyền...

- Tăng cường công tác quản lý thanh tra, xử lý sau thanh tra, đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định; tập trung thanh tra diện rộng nhưng cũng phải có trọng tâm trọng điểm; rà soát các vụ việc cụ thể để giải quyết dứt điểm. Thủ tướng cũng yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo phải kịp thời, đúng pháp luật; coi trọng và làm tốt công tác hòa giải, đối thoại với người dân...

- Bài học quý giá đối với ngành thanh tra là tinh thần đoàn kết, là sự phối hợp.

Bên cạnh đó, về mặt hạn chế, Thủ tướng chỉ rõ, thể chế liên quan đến ngành thanh tra còn bất cập, chồng chéo, có chỗ còn chưa hợp lý; tổ chức còn manh mún, chia cắt, phân tán; có nơi cán bộ vừa thừa, vừa thiếu; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chưa hoàn chỉnh. Nguyên nhân chủ yếu, công tác thanh tra nhạy cảm, phức tạp, bị chi phối bởi việc này, việc kia, vẫn còn lợi ích nhóm; còn một bộ phận cán bộ chưa thực sự trong sáng, nhiệt huyết, quyết tâm, quyết liệt trong công tác; sự phối hợp của các cơ quan có nơi, có lúc chưa tốt.

Thủ tướng tán thành ý kiến cho rằng, “Làm thanh tra mà không trong sạch, không công minh, thì không làm được”. Do đó, cán bộ thanh tra phải trong sáng, phải đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết, phải vô tư, khách quan, quang minh chính đại.

Trong công tác thanh tra, làm việc nào phải dứt việc đó; đối với các vụ việc, phải kết luận được và tổ chức thực hiện sau khi có kết luận thanh tra thì mới có hiệu quả. Công tác tiếp công dân phải kiên trì, bản lĩnh, khách quan, đối thoại ngay từ cơ sở, công khai, minh bạch, giải quyết có tình, có lý, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước; phải tôn trọng người dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, phải chân tình, có lý có tình; phải coi trọng công tác thanh tra nội bộ, “thanh tra của thanh tra”, nếu không dễ xảy ra “dĩ hòa vi quý”.

Thủ tướng yêu cầu, ngành thanh tra phải phát huy thành tích đã đạt được trong những năm vừa qua “Để trong thời gian tới đây chúng ta làm tốt hơn”. Thứ hai, tìm ra và chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, những việc tồn đọng để tiếp tục khắc phục, giải quyết. Thủ tướng cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra trong giai đoạn hiện nay là hết sức quan trọng, Thủ tướng nêu rõ, “Việc của thanh tra là việc khó, phức tạp, nhạy cảm, cho nên chúng ta phải giữ đúng nguyên tắc, thực hiện dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, lấy hiệu quả là chính và tạo sự thống nhất để làm”. Thứ ba, phải bản lĩnh, phải cương quyết, quyết tâm phải rất cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm phải có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào phải dứt việc đó. Thứ tư, phải kiên trì, cầu thị, lắng nghe và phải nắm chắc, bám sát vào đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thứ năm là phân cấp, phân quyền, “Các vụ việc, anh nào làm tốt nhất, anh nào có thể giải quyết được ở cấp nào, ở đơn vị, cơ quan nào thì mình giao cho”. Thứ sáu, công tác phòng vẫn là cơ bản, là chiến lược, là lâu dài, quyết định.

Định hướng một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng gợi mở, trước hết là hoàn thiện thể chế, “Phải rà soát lại thể chế, cơ chế chính sách còn thiếu gì, cái gì chưa phù hợp thực tiễn”; tinh thần là cái gì đã chín, đã rõ mà thực hiện có hiệu quả, được thực tiễn chứng minh là đúng, đa số đồng tình thì chúng ta tiếp tục kế thừa, phát huy, phát triển; những gì chưa có quy định hoặc vượt quá quy định thì mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thanh tra chính là phòng ngừa, không để tích tụ sai phạm nhỏ thành sai phạm lớn; cần tăng cường công tác quản lý thanh tra, xử lý sau thanh tra, đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định; tập trung thanh tra diện rộng nhưng cũng phải có trọng tâm trọng điểm; rà soát, chắt lọc các vụ việc cụ thể để giải quyết cho dứt điểm.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng pháp luật, không để kéo dài; coi trọng và làm tốt công tác hòa giải, làm cho họ thông về tư tưởng; người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền phải đối thoại thường xuyên với người dân.

Thủ tướng yêu cầu việc tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm từ xử lý các vụ việc lớn trong nhiệm kỳ qua để góp phần đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong các lĩnh vực như đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư công, lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực…, “Làm sao đầu tư công là để ra tiền chứ không phải để mất tiền”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tăng cường phối hợp giữa công tác thanh tra với giám sát tối cao của Quốc hội, giữa thanh tra với kiểm toán, kiểm tra, giữa Thanh tra Chính phủ với Thanh tra của các địa phương, tránh để chồng chéo.

Thủ tướng lưu ý, thanh tra, kiểm tra là một phương thức lãnh đạo của Đảng, là công cụ để thực hiện quyền dân chủ XHCN, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; cần coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên trong ngành; xây dựng bộ máy, tổ chức, biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu, đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Ban Biên tập Sở Tài chính./.

Tin khác
1 2 3 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TÀI CHÍNH BÌNH THUẬN 

 
Địa chỉ : 400 Đại lộ Võ Văn Kiệt – Thành phố Phan Thiết – Tỉnh Bình Thuận 
Số điện thoại : 0252.3828469. Fax: 3821656 
Email : stc@binhthuan.gov.vn. 
Designed by VNPT

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang