Sở Công thương làm việc với Trung tâm Dịch vụ miền núi về tình hình mua sắm, dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Đầu lúa và tết Nguyên đán Canh Tý 2021
Thực hiện Kế hoạch số 4963/KH-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; Công văn số 2701/SCT-QLTM ngày 13 tháng 10 năm 2020 của Sở Công thương về việc xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán Tân Sửu 2021và Công văn số 29/SCT-QLTM ngày 05 tháng 01 năm 2021 của Sở Công thương thông báo lịch làm việc về tình hình dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

    Sáng 19 tháng 01 năm 2021, đoàn làm việc của Sở Công thương đã có buổi làm việc với Trung tâm Dịch vụ miền núi về tình hình dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Tại buổi làm việc, Trung tâm Dịch vụ miền núi đã báo cáo với Đoàn cụ thể về tình hình mua sắm, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tết Đầu lúa và tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tại đơn vị.

    Để kịp thời phục vụ, đáp ứng nhu cầu mua sắm của đồng bào trong dịp đón Tết, Trung tâm Dịch vụ miền núi đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 1116/KH-TTDV ngày 27 tháng 10 năm 2020 về việc xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết; đồng thời tiến hành tổ chức triển khai mua sắm, dự trữ các mặt hàng thiết yếu như: gạo, đường, muối, dầu ăn, bia, nước giải khát, mỳ tôm, bột ngọt, bánh kẹo… tập kết tại kho Trung tâm; riêng mặt hàng gạo tẻ, gạo nếp thì ký gửi tại kho của đơn vị cung ứng (do Trung tâm không có kho chứa hàng). Với hệ thống 11 cửa hàng và 04 đại lý nằm tại trung tâm các xã thuần và các thôn dân tộc thiểu số xen ghép trên địa bàn toàn tỉnh, Trung tâm tập trung cung ứng sớm các mặt hàng trên xuống các cửa hàng, đại lý để dự trữ bán phục vụ đồng bào. Tại các điểm bán hàng đều được niêm yết giá công khai, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, Trung tâm thông báo trên bảng thông tin về các mặt hàng tham gia bình ổn giá tại các kệ hàng, nơi dễ nhận thấy. Năm nay, ngoài các điểm bán hàng cố định tại hệ thống các cửa hàng, đại lý trực thuộc; Trung tâm Dịch vụ miền núi xây dựng kế hoạch tổ chức 06 đợt bán 2 hàng lưu động (dự kiến tiến hành từ ngày 24/01/2021, nhằm ngày 12 tháng Chạp năm Canh Tý đến hết ngày 05/02/2021, nhằm ngày 24 tháng Chạp năm Canh Tý) tại các xã thuần và các thôn dân tộc thiểu số xen ghép trên các địa bàn trong tỉnh như các xã: Phan Dũng (huyện Tuy Phong); Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Điền, Phan Tiến (huyện Bắc Bình); Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc) và Hàm Cần, Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam), La Ngâu (huyện Tánh Linh). Trong đó, tổ chức triển khai bán hàng lưu động sớm phục vụ Tết Đầu lúa tại các xã Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Điền, Phan Tiến (huyện Bắc Bình) diễn ra trong hai ngày 26 và 27/01/2021. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ của Trung tâm và của hệ thống các cửa hàng - đại lý bán phục vụ Tết dự kiến khoảng 1,6 tỷ đồng. Trong đó, Trung tâm trực tiếp cung ứng mặt hàng: gạo tẻ, gạo nếp, dầu ăn, muối, bột ngọt, đường cát, mì tôm, thuốc lá, bia, nước giải khát, bánh kẹo…; đồng thời tạm ứng tiền mặt (từ 30 đến 50 triệu đồng/01 cửa hàng, đại lý) để cho các cửa hàng, đại lý tự mua - bán các mặt hàng thiết yếu khác như: nước mắm, cá khô, thịt heo, thịt bò, gà, vịt, sữa, mỹ phẩm, quần áo, giày dép… và các mặt hàng tươi sống phục vụ cho đồng bào góp phần thêm phong phú mặt hàng thực phẩm gắn với công tác bình ổn giá thị trường Tết tại địa phương. Chất lượng hàng hóa phục vụ Tết có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chủ yếu của các doanh nghiệp trong nước theo tinh thần Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đảm bảo thời hạn sử dụng và an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Giá bán bằng hoặc thấp hơn giá thị trường tại cùng thời điểm. Riêng các mặt hàng bình ổn giá như gạo, dầu ăn, bột ngọt,muối, đường… đảm bảo đủ số lượng cung ứng theo nhu cầu của thị trường.

    Tại buổi làm việc, Trung tâm Dịch vụ miền núi cũng đã nêu những khó khăn của đơn vị đó là nguồn vốn để phục vụ nhiệm vụ trên của đơn vị không được hỗ trợ mà đơn vị chủ động ứng từ nguồn vốn đầu tư ứng trước theo Quyết định 05/2016/QĐ-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2016 của UBND tỉnh Bình Thuận và nguồn vốn hoạt động Dịch vụ của Trung tâm cho nên trong năm 2021, Trung tâm xây dựng kế hoạch dự trữ khoảng 1,6 tỷ đồng giảm 20% so với năm 2020. Mặt khác, sự thuận lợi trong lưu thông cũng đã giúp đồng bào có nhiều lựa chọn trong mua sắm tại những địa điểm bán hàng ở trung tâm các huyện, thị xã và thành phố. Do đặc thù như trên, hoạt động của Trung tâm trong vấn đề tham gia thị trường bình ổn giá hầu như không có lãi, thậm chí phải bù lỗ từ các nguồn hoạt động khác của đơn vị. Đồng thời đề nghị Sở Công thương và các Sở, ngành liên quan kiến nghị UBND tỉnh có cơ chế đặc thù hỗ trợ Trung tâm các chi phí như: bốc xếp, vận chuyển… để hoạt động tham gia bình ổn giá trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn./.

Thế Tài

Cải cách hành chính

Điểm tin cải cách hành chính

VĂN BẢN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG DVC TRỰC TUYẾN VÀ DV BƯU CHÍNH CÔNG ÍCH

HƯỚNG DẪN TTHC LIÊN THÔNG
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
       Trang Thông Tin Điện Tử Ban Dân Tộc
Địa chỉ: 408 Thủ Khoa Huân, TP. Phan Thiết, Tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 0252 3812440
Email: bdt@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang

Designed by VNPT