Chi bộ đầu tiên và các kỳ đại hội Đảng bộ huyện Tánh Linh (1946 – 2020)

Dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, Tánh Linh cũng như mọi miền Tổ quốc bị đàn áp, khủng bố, bóc lột thậm tệ và khổ cực muôn phần. 

Thời kỳ hoạt động cách mạng sôi nổi năm 1930 có một người gốc Quảng Nam tên là Lê Văn Triều, tức Tám Triều làm nghề thợ may nên người ta còn gọi là Tám thợ may hoặc Tám thẹo vì trên mặt có một vết thẹo đã có mặt ở vùng núi Tánh Linh ngay từ khi giặc Pháp mở đồn điền khai thác gỗ. Là người từng trải, lăn lộn nhiều cả ở vùng thành thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi nên Lê Văn Triều giao thiệp lanh lợi, khôn khéo, giao du với đủ mọi hạng người mà ai cũng nể cũng cảm tình.

Đảng cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930) và các hoạt động vận động Cách mạng Tháng 8/1945 của Đảng đã lan tới Bình Thuận. Vùng núi Tánh Linh bắt đầu chuyển động, xuất hiện truyền đơn, khẩu hiệu cách mạng. Vốn là người yêu nước tiến bộ, tuy chưa được Đảng trực tiếp giáo dục giác ngộ cách mạng, nhưng Lê Văn Triều cùng những bạn bè tốt, tin tưởng nhau lập các tổ chức hoạt động như Hội banh, Hội ái hữu … có xu hướng tiến bộ. Các hội này do Lê Văn Triều và Sáu Uẩn thành lập đã thu hút những thanh niên hăng hái, những người tích cực nồng cốt ở địa phương.

Năm 1943, Lê Văn Triều bị Pháp bắt đi ngồi tù ở Phú Bài – Huế. Trong tù ông được tiếp xúc với các đảng viên Cộng Sản. Đồng chí Nguyễn Gia Tú, một trong những người giác ngộ cách mạng sớm ở Bình Thuận, đã giáo dục xây dựng, nên ông bắt đầu giác ngộ cách mạng thật sự. Trong thời gian này, các bạn ông ở nhà vẫn tiếp tục giữ gìn tổ chức, hoạt động công khai, hợp pháp có mức độ để duy trì phong trào.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, các đồng chí Nguyễn Gia Tú, Lê Văn Triều, Hồ Hữu Ý từ Phú Bài - Huế trở về Bình Thuận. Tiếp theo đó, các đảng viên bị giam cầm ở nhà tù Buôn Ma Thuột: như Nguyễn Sắc Kim, Nguyễn Nhơn, Nguyễn Chúc, Thái Hựu (quê các tỉnh miền Trung) cùng đồng chí Nguyễn Tương về Bình Thuận hoạt động. Theo sự chỉ đẫn của đồng chí Nguyễn Tương các đồng chí về đến làng Tuy Hòa, ở nhà Nguyễn Thị Quán (Tư quán), một sơ sở cách mạng để nắm tình hình. Tại đây, các đảng viên phân công nhau hình thành một tổ chức lãnh đạo do đồng chí Nguyễn Sắc Kim phụ trách chung; đồng chí Nguyễn Tương phụ trách Hàm Thuận và Hàm Tân chủ yếu là Hàm Thuận; đồng chí Nguyễn Chúc, Nguyễn Tương phụ trách Phủ Hòa Đa, huyện Tuy Phong; đồng chí Thái Hựu phụ trách Ga Mương mán; đồng chí Nguyễn Gia Tú, Lê Văn Triều phụ trách Tánh Linh và đồng chí Nguyễn Nhơn phụ trách Phan Thiết để móc nối, liên lạc với cơ sở củ, gây dựng lại phong trào cách mạng. Tiếp đến, các đồng chí Cổ Văn An, Nguyễn Đức Dương, Đặng Soa (quê các tỉnh miền Trung), bị địch bắt ở Buôn Ma Thuột cũng về Bình Thuận tham gia hoạt động cách mạng.

* Thực hiện sự phân công của tổ chức, đồng chí Nguyễn Gia Tú lên Tánh Linh gặp đồng chí Lê Văn Triều bàn việc tổ chức hình thành gấp các nhóm Việt Minh ở Tánh Linh. Từ cơ sở này, tháng 6/1945 Nhóm Việt Minh ở Tánh Linh được thành lập.

Nhóm Việt Minh ở Tánh Linh: đồng chí Nguyễn Gia Tú, Lê Văn Triều, đồng chí Ngoạn, Giáp, Mùi, Đại. Từ nhóm ban đầu này đã phát triển thành nhiều nhóm theo các ngành nghề như thợ may, hớt tóc, thợ dệt, buôn bán, làm ruộng. Đồng chí Lê Văn Triều trực tiếp phụ trách nhóm Việt Minh công nhân xe ben và công nhân khai thác gỗ trên đường Tánh Linh – Suối Kiết.

* Chi bộ đầu tiên của Huyện Tánh Linh: Để có hạt nhân lãnh đạo của Đảng ở địa phương, qua thử thách nhiều năm trong đấu tranh với địch, đồng chí Nguyễn Soạn (Thảo), người thay đồng chí Thắng làm chủ nhiệm Việt Minh, đã kết nạp các đồng chí Lê Văn Triều, Nguyễn Giáp vào Đảng, cùng đồng chí Thảo hình thành chi bộ đầu tiên của Huyện Tánh Linh vào cuối năm 1946 do đồng chí Thảo làm Bí thư.

* Cuối năm 1948, Đại hội Đảng bộ huyện đầu tiên ở chiến khu Núi Lở. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành huyện gồm các đồng chí Nguyễn Soạn (tức Thảo), Lê Văn Triều, Nguyễn Giáp, Nguyễn Thiên, Lương Đức Tuấn. Đồng chí Thảo làm Bí thư Huyện ủy.

* Ngày 5 và 6 tháng 6/1952, Đại hội Đảng bộ huyện Tánh Linh lần thứ II họp ở chiến khu suối Đá Mài xã Mỹ Hòa, có 35 đại biểu, đại diện cho 80 đảng viên ở 8 chi bộ: 3 xã, 2 miền, 1 chi bộ quân sự, 1 chi bộ cơ quan và 1 chi bộ đội vũ trang tuyên truyền về dự đại hội (khoảng 1/3 là đảng viên dân tộc ít người, 8% là nữ). Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành huyện gồm 9 đồng chí, đồng chí Lê Văn Triều - Bí thư.

Quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng bộ huyện đã giành được nhiều thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, huyện tập trung hết cán bộ nhân viên, bộ đội, cán bộ xã, dân quân du kích học tập về Hiệp định sau đó các đồng chí lãnh đạo lên tỉnh để nhận nhiệm vụ bố trí số đi tập kết và số ở lại miền Nam đấu tranh chính trị, thực hiện thống nhất nước nhà. Theo chỉ thị của tỉnh, các đồng chí Lê Văn Triều, Nguyễn Thiết Hoàng hình thành Huyện ủy mới, rút vào bí mật, đóng cơ quan ở vùng căn cứ miền Đông. Huyện tổ chức hệ thống liên lạc hợp pháp và bất hợp pháp để giữa huyện và các xã, giữa huyện với tỉnh; khi ấy cơ quan Tỉnh ủy đóng ở các thôn Lập, thôn Quang thuộc căn cứ miền Đông Tánh Linh. Tuy rút vào hoạt động bí mật, nhưng Huyện ủy vẫn tập trung lãnh đạo nhiệm vụ theo chỉ thị của Tỉnh.

Tháng 7/1954 Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa II đã nhận định: “Đế quốc Mỹ là một trở lực chính ngăn cản việc lập lại hòa bình ở Đông Dương, đang trở thành kẻ thù chính của nhà nước Đông Dương…”. Sau khi ký kết Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương, Đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam “Nhanh chóng hất cẳng thực dân Pháp, độc chiếm quyền thống trị ở miền Nam Việt Nam và Đông Dương, đàn áp phong trào cách mạng và áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành pháo đài của mỹ ở Đông Nam Á”.

Sau khi có Hiệp định Giơ-ne-vơ, theo ranh giới hành chính của địch tỉnh Bình Thuận có 8 huyện, thị: Tuy Phong, Hòa Đa, Phan Lý, Hàm Thuận, Hàm Tân, Tánh Linh, Di Linh và thị xã Phan Thiết. Ban đầu Tỉnh ủy chọn Tánh Linh, Di Linh làm căn cứ của Tỉnh ủy và Ban cán sự Cực Nam (Liên tỉnh 3). Trong lúc địch đang lo tiếp quản vùng đồng bằng; miền núi địch chưa với tới. Tỉnh ủy chủ trương tranh thủ thời gian khẩn trương xây dựng và mở rộng phong trào ở hai huyện miền núi Di Linh, Tánh Linh, đưa lên một bước vững chắc.

Đầu năm 1957, địch tách hai huyện Hàm Tân và Tánh Linh ra khỏi Bình Thuận, cộng thêm một phần đất của Long Khánh và Lâm Đồng như các khu vực Đakai, Võ Đắc, Trà Tân, Tố La và Cà Dòn thành lập tỉnh Bình Tuy gồm 3 huyện: Hàm Tân, Tánh Linh, Hoài Đức; tỉnh lỵ đóng tại thị trấn Lagi. Huyện Hàm Tân giao xã Bình Châu về Bà Rịa. Tánh Linh được chia làm hai, các xã Nam sông La Ngà cộng với Trà Tân, Võ Đắc, thành lập quận Tánh Linh, lấy Lạc Tánh làm quận lỵ; các xã Bắc sông La Ngà cộng với Đakai, xã Tố La và xã Cà Dòn thành lập quận Hoài Đức, quận lỵ đóng ở Bắc Ruộng. Bình Tuy là một tỉnh nhỏ nhưng địch đánh giá rất quan trọng: “Là một tỉnh nối liền giữa miền Đông Nam Bộ với Cực Nam Trung bộ, Nam Tây Nguyên, nằm trong vành đai phòng thủ phía Bắc Sài Gòn nên Bình Tuy là một địa bàn quan trọng …”

Đối với ta, khu vực Hoài Đức - Tánh Linh lúc ấy chỉ là 1 huyện Tánh Linh, có vị trí chiến lược quan trọng vì đây là vùng rừng núi hiểm trở, có thung lũng La Ngà đất đai trù phú, có khá nhiều dân cư người Thượng là những điều kiện để xây dựng thành căn cứ bàn đạp mở rộng hoạt động xuống vùng đồng bằng đông dân ven biển, cũng là bàn đạp mở phong trào lên Nam Tây Nguyên và vào Miền Đông Nam bộ. Nếu ta mở rộng được phong trào, đứng được trên vùng này, sẽ tạo được thế chia cắt và uy hiếp địch nhiều mặt. Do thấy tầm quan trọng của Tánh Linh - Hoài Đức như vậy nên địch ra sức tổ chức xây dựng bộ máy hành chính và lực lượng vũ trang để kìm kẹp dân, đánh phá chỗ dựa của ta. Sau khi dồn hết dân 3 xã miền Đông từ 1957 - 1959, địch tiếp tục càn quét, khủng bố, dồn hết dân 3 xã miền Bắc Tánh Linh (La Dạ, La Ngâu, Măng Tố) và dân Bắc Núi, Bắc Ruộng vào các khu dinh điền Bắc Ruộng, Tà Pao, Đồng Kho. Rút kinh nghiệm 3 xã miền Đông, ta có chủ trương vận động một số ở lại bất hợp pháp, nhưng mỗi xã cũng chỉ có vài ba gia đình. Đồng thời địch đưa gần ba chục ngàn dân vùng tự do cũ của liên khu 5 và dân miền Bắc di cư đến đây lập các khu dinh điền, như: Trà Tân, Võ Đắc, Tư Tề, Chính Đức, Võ Xu, Gia An, Quang Hà, Đồng Kho, Đồng Me, Tà pao, Huy Khiêm, Tề Lễ, Nghị Đức, Mê Pu, Sùng Nhơn … Chúng làm đường giao thông nối liền giữa các khu dinh điền với quốc lộ 1 và quốc lộ 20.

Từ năm 1957, đ/c Lê Văn Triều về tỉnh làm Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự miền Tây phụ trách việc xây dựng củng cố căn cứ miền núi và mở phong trào lên Nam Tây Nguyên. Đồng chí Nguyễn Thiết Hoàng thay làm Bí thư Tánh Linh. Tuy tình hình vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng trong các dinh điền người Thượng đều có cơ sở các loại, mỗi nơi có hàng chục cơ sở chính trị, du kích mật; có cơ sở ở trong ngụy quyền và trong bảo an, dân vệ, thanh niên cộng hòa. Các đội công tác luôn bám sát ấp, gặp gỡ, giáo dục, xây dựng, củng cố cơ sở, chuẩn bị cho họ khi có điều kiện thì vùng lên phá khu dinh điền để về lại núi rừng.

Năm 1959 và đầu năm 1960 là thời kỳ của những ngày chờ đợi thế chuyển mình của cách mạng ở cả miền Nam cũng như tại địa phương Tánh Linh - Hoài Đức. Một khi thời cơ mới xuất hiện sẽ đưa phong trào cách mạng tiến lên một bước mới.

Để tiện chỉ đạo, cuối tháng 10/1965 Tỉnh ủy chủ trương cắt các xã căn cứ miền núi của hai huyện (nam + bắc sông La Ngà) thành lập huyện Tánh Linh, đồng chí Nguyễn Thiết Hoàng làm Bí thư. Các xã ở dưới bằng của hai huyện (nam + bắc sông La Ngà) thành lập huyện Hoài Đức, do đồng chí Hoàng Từ làm Bí thư.

Thực hiện kế hoạch chung của Miền “Chủ động đánh phủ đầu quân địch, đẩy nhanh chúng vào thế suy sụp mới, làm thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta”. Chiến dịch Hoài Đức - Tánh Linh được quán triệt, triển khai. Do vây, về lực lượng chính trị tại chỗ: Hoài Đức - Tánh Linh được sát nhập lại thành một huyện, Ban chấp hành Huyện ủy có 10 đồng chí, Nguyễn Thanh Bình làm Bí thư.

Ngày 25/12/1974 giải phóng Tánh Linh; Ngày 23/3/1975, giải phóng huyện Hoài Đức. Để giữ vững vùng giải phóng, khu VI và Tỉnh ủy Bình Tuy đã bổ sung cán bộ lãnh đạo. Đồng chí Ngô Thanh Bình về tiếp quản Lạc Tánh. Khi đồng chí Bình chuyển đi, đồng chí Hồ Việt Hách về thay. Khoảng tháng 4/1975, đồng chí Nguyễn Trung Hậu cán bộ tuyên huấn Khu VI được bổ sung về lãnh đạo xã Lạc Tánh – chi khu cũ của ngụy. Đồng chí Nguyễn Tuấn Dục về phụ trách xã Hiếu Tín và đồng chí Nguyễn Khải về phụ trách xã Huy Lễ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huyện ủy Tánh Linh đã bám sát và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, phối hợp với lực lượng vũ trang chủ lực, lãnh đạo chỉ đạo lực lượng vũ trang huyện nhà đã tổ chức từ đấu tranh chính trị bằng phương pháp hòa bình chuyển lên bạo lực cách mạng của quần chúng, kết hợp chính trị với đấu tranh vũ trang, góp phần đánh bại chiến tranh đặc biệt của Mỹ - Ngụy (1954-1975).

Sau ngày giải phóng, ta cũng cố lại tổ chức cho phù hợp với tình hình chung trong Khu VI và ở miền Nam. Ngày 30/6/1975, Khu VI quyết định sát nhập 3 mảng Nam Thành, Hoài Đức, Nam Thắng (Tánh Linh) thành huyện Đức Linh.

* Huyện Đức Linh, về tổ chức Đảng, đến cuối năm 1975, toàn huyện có 195 đảng viên, trong đó có 22 đảng viên dự bị và 36 đảng viên là người dân tộc, sinh hoạt trong 17 chi bộ.

Từ ngày 10 đến 14/10/1976, Đại hội đại biểu vòng 1 Đảng bộ huyện và vòng 2 Đại hội Đảng huyện diễn ra từ ngày 25/5 đến 31/5/1977. Đại biểu được triệu tập chính thức 80 đồng chí. Bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa I có 29 đồng chí (27 chính thức và 2 dự khuyết) Ban Thường vụ có 7 đồng chí. Đồng chí Ngô Thanh Bình làm Bí thư Huyện ủy. Đến ngày 22/8/1978, Thường vụ Tỉnh ủy Thuận Hải quyết định đồng chí Lê Khắc Thành, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy về làm Bí thư, thay đồng chí Ngô Thanh Bình đi học trường Nguyễn Ái Quốc.

* Từ ngày 8 đến ngày 12/8/1979, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ II. Bầu Ban chấp hành khóa II có 29 ủy viên (2 dự khuyết), Ban Thường vụ có 9 đồng chí. Đồng chí Lê Khắc Thành, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, được Tỉnh ủy phân công về làm Bí thư Huyện ủy; sau Đại hội II Đảng bộ huyện, đồng chí về tỉnh công tác và đồng chí Nguyễn Nhẫn thay tiếp tục làm Bí thư Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ II.

Sau Đại hội Đảng bộ huyện Đức Linh lần thứ III, thực hiện Quyết định số 204 ngày 30/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 01/5/1983 huyện Đức Linh được phân chia thành 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh.

* Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thuận Hải quyết định thành lập Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời huyện Tánh Linh có 15 đồng chí, Ban Thường vụ Huyện ủy có 7 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Nhẫn -Bí thư.

* Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tánh Linh lần thứ nhất (nhiệm kỳ 1986-1988) đã diễn ra tại thị trấn Lạc Tánh – Trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của huyện. Đại hội đã có 110 đại biểu từ các cơ sở Đảng. Đại hội bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới có 32 đồng chí (có 5 dự khuyết). Ban Thường vụ 8 đồng chí. Đồng chí Lê Kim Hoàng (Lê Hải Anh) Bí thư Huyện ủy.

* Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Tánh Linh lần thứ II, nhiệm kỳ 1989-1991 từ ngày 10-11/4/1989, đại biểu tham dự 95. Bầu Ban Chấp hành Đảng bộ lần II, có 27 ủy viên và 9 đồng chí Ban Thường vụ. Đồng chí Nguyễn Quang Kiệu-Bí thư.

* Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tánh Linh lần thứ III (1991-1995) từ ngày 9-10/4/1991, có 99 đại biểu. Bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện có 31 đồng chí; Ban Thường vụ Huyện có 9 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Quang Kiệu- Bí thư Huyện ủy.

* Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IV nhiệm kỳ 1996-2000, từ ngày 9-10/02/1996 có 134 đại biểu tham dự. Bầu Ban Chấp hành có 33 đồng chí; Ban Thường vụ có 11 đồng chí. Đồng chí Huỳnh Quang Hòa - Bí thư Huyện ủy.

* Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tánh Linh lần thứ V (nhiệm kỳ 2001 – 2005), từ ngày 06/12 đến 08/12/2000, có 121 đại biểu tham dự. Bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện 32 đồng chí; Ban Thường vụ 9 đồng chí. Đồng chí Đoàn Văn Sáu - Bí thư Huyện ủy.  Tháng 3/2004 đồng chí Đoàn Văn Sáu chuyển về tỉnh, đồng chí Nguyễn Hữu Trí – Quyền Bí thư Huyện ủy, ngày 1/5/2004 đồng chí Nguyễn Hữu Trí – Bí thư Huyện ủy.

* Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tánh Linh lần thứ VI, từ ngày 24/10 đến 26/10/2005, có 200 đại biểu tham dự. Kết quả bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa VI) 37 đồng chí, Ban thường vụ 11 đồng chí. Đồng chí Bùi Thế Nhân-Bí thư Huyện ủy.

* Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tánh Linh lần thứ VII, từ ngày 18/8 đến 20/8/2010, có 249 đại biểu tham dư. Bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa VII) 41 đồng chí. Ban Thường vụ 10 đồng chí. Đồng chí Phạm Ngọc Chính - Bí thư Huyện ủy.

* Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tánh Linh lần thứ VIII, từ ngày 16/6 đến 18/6/2015, có 279 đại biểu. Bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa VIII) 41 đồng chí. Ban Thường vụ 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Tám- Bí thư Huyện ủy.

* Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tánh Linh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020 – 2025), từ ngày 22/7 đến 24/7/2020, có 249 đại biểu. Bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa IX) 39 đồng chí. Ban Thường vụ 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Quang- Bí thư Huyện ủy. Đến tháng 7/2022 Đồng chí Nguyễn Văn Quang chuyển công tác về tỉnh, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh – Bí thư Huyện ủy.

Nhìn lại từ khi hình thành Chi bộ đầu tiên (1946) đến thời điểm 2020 Đảng bộ huyện Tánh Linh trãi qua 74 năm (1946 – 2020) gắn liền với quá trình lãnh đạo cách mạng và sự phát triển của huyện nhà. Nếu tính từ năm 1986 đến năm 2020, Đảng bộ huyện Tánh Linh có 9 kỳ Đại hội.

Để đánh giá những thành tựu huyện Tánh Linh trong công cuộc kháng chiến chống Pháp – Mỹ và xây dựng huyện Tánh Linh trong công cuộc đổi mới. Ban Tuyên giáo Huyện ủy cung cấp đến bạn đọc bài viết tiếp theo: NHỮNG DẤU SON LỊCH SỬ QUA 74 NĂM (1946 – 2020) ĐẢNG BỘ HUYỆN TÁNH LINH.

Phạm Tiến Quân

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang