Nâng cao hiệu quả đầu tư tại các khu công nghiệp, khu kinh tế
Lượt xem: 564

         Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) của Việt Nam không ngừng phát triển, trở thành nhân tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư hiện nay. Tuy nhiên, phát triển KCN, KKT tại Việt Nam thời gian qua chưa thực sự bền vững, chưa tạo được sự cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường.

Phát triển nhưng chưa bền vững

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay Việt Nam đã có 369 KCN được thành lập (gồm cả các KCN nằm trong KKT) tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích gần 114 nghìn ha; 26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đất liền với tổng diện tích khoảng 766 nghìn ha và 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ven biển, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853 ngàn ha. Trong giai đoạn 2016 - 2019, vốn đầu tư thực hiện, gồm vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật KCN, khu chức năng trong KKT và vốn đầu tư của dự án trong KCN, KKT, đạt khoảng 27,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; nộp ngân sách nhà nước hơn 400 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù vậy, việc phát triển KCN, KKT thời gian qua chưa bền vững, bộc lộ một số tồn tại hạn chế như quy hoạch phát triển KCN, KKT chưa thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược, tổng thể; quy hoạch và phát triển KCN, KKT tại một số nơi chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút đầu tư; việc tập trung các KCN tại một số địa phương, tuyến quốc lộ gây áp lực lớn về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực xung quanh KCN; mô hình phát triển KCN, KKT còn chậm đổi mới so với các nước trên thế giới; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư và hiệu quả sử dụng đất tại KCN, KKT chưa cao. Bên cạnh đó, KCN và KKT phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong và ngoài KCN, KKT còn thấp so với nhu cầu. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như số nhà máy xử lý nước thải trong KCN mới đạt 88%, thấp hơn so với chỉ tiêu đặt ra là 100% trong năm 2020. Nhiều địa phương, các quy định về môi trường, công nghệ còn lỏng lẻo, tiêu chí “lấp đầy” được đặt lên hàng đầu để giải quyết lao động thất nghiệp.

Việc thực hiện dự án phát triển KCN, KKT chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật khác nhau về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, kinh doanh bất động sản… dẫn đến phải thực hiện theo các trình tự, thủ tục hành chính khác nhau theo quy định của pháp luật có liên quan. Quy định của pháp luật đối với dự án phát triển KCN, KKT còn nhiều vướng mắc, như: quy định để xác định các trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất hoặc quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án phát triển hạ tầng KCN chưa được quy định cụ thể tại pháp luật về đầu tư, đất đai, đấu thầu đã gây khó khăn cho việc đánh giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án; pháp luật về môi trường yêu cầu phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi quyết định chủ trương đầu tư; pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản yêu cầu đánh giá về điều kiện, năng lực tài chính của nhà đầu tư để thực hiện dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; pháp luật về đất đai yêu cầu việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp (đặc biệt là đất trồng lúa, đất rừng) sang đất phi nông nghiệp phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, trình tự, thủ tục đầu tư và triển khai dự án phát triển hạ tầng KCN có sự tham gia của nhiều cơ quan và mất nhiều thời gian.

Những tồn tại, hạn chế này là do các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về KCN, KKT (hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, khung pháp lý; mô hình tổ chức bộ máy cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với KCN, KKT; sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương; mô hình phát triển KCN, KKT…) và tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư của các KCN, KKT của Việt Nam so với các nước khác (chính sách ưu đãi đầu tư, lao động, thủ tục…).

Nâng cao hiệu quả đầu tư cho các khu công nghiệp, khu kinh tế

Hiện nay, Việt Nam đang trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các yếu tố đầu vào (như lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào) không còn là thế mạnh của Việt Nam. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với các bộ, ngành, địa phương là cần quy hoạch KCN mới, xây dựng mô hình phù hợp mục tiêu thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có tính bền vững. KCN phải tổ chức bài bản, quản trị thông minh về môi trường sạch, phát huy tất cả không gian. Để các KCN, KKT phát triển đáp ứng với yêu cầu trong bối cảnh mới, các chuyên gia đã đưa ra 3 gợi ý về phát triển KCN cho Việt Nam, đó là thay đổi mô hình tăng trưởng, nâng cấp các KCN và đổi mới quản lý nhà nước. Theo đó, hướng trọng tâm vào đổi mới mô hình tăng trưởng là lấy khoa học, công nghệ, nhân lực chất lượng cao làm cơ bản; khai thác tối đa lợi thế để xây dựng hoàn chỉnh ngành công nghiệp; giảm dần các ngành công nghiệp không phải thế mạnh của từng địa phương, chiếm dụng nhiều đất, gây ô nhiễm môi trường... Các KCN nâng cấp theo định hướng chuyên biệt, sinh thái theo hướng xã hội hóa từ xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến quảng bá, xúc tiến đầu tư để lựa chọn dự án theo định hướng mới về cơ cấu ngành, lĩnh vực trong KCN.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư cho các KCN, KKT, cần ban hành luật riêng về KCN, KKT để thúc đẩy phát triển khu vực này. Việc xây dựng và ra đời của luật này sẽ nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước, các cấp trong phát triển KCN, KKT về vai trò, vị trí, cũng như tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền.

Chính sách thu hút đầu tư vào KCN, KKT cần được xây dựng và hoàn thiện theo hướng sàng lọc dự án, cơ chế đánh giá và kiểm soát bảo đảm an ninh, quốc phòng. Nhiệm vụ và giải pháp về ưu đãi đầu tư nước ngoài vào KCN, KKT đã được Bộ Chính trị nêu rõ tại Nghị quyết số 50-NQ/TW, qua đó cho thấy vai trò của KCN, KKT rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu như hiện nay.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm cung cấp các dịch vụ hành chính thuận lợi cho các nhà đầu tư; nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KCN; kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường; chăm lo đời sống vật chất cho người lao động và đặc biệt hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển KCN. Đồng thời, chất lượng thu hút đầu tư vào KCN cần được cải thiện. Theo đó, Việt Nam cần tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, thâm dụng vốn, thân thiện với môi trường, đặc biệt là các ngành nghề được xác định là mũi nhọn phát triển và có lợi thế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các phương thức hợp tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT cần được đa dạng hóa, khuyến khích huy động nguồn lực tư nhân và hình thức đối tác công - tư trong xây dựng, phát triển KCN, KKT. Kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư phải được xây dựng thống nhất trên phạm vi cả nước, tập trung xúc tiến đầu tư theo vùng để tăng cường hiệu quả, tránh chồng chéo. Hoạt động đầu tư cần được thực hiện có trọng điểm, tập trung ưu tiên một số đối tác lớn, quan trọng và những ngành nghề, lĩnh vực có lợi thế của Việt Nam.

Theo tin Chí Việt - BQLKCN

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang