Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động
Lượt xem: 2360


(binhthuan.gov.vn) Ngày 13/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg, từ ngày 15 đến 22/5 hàng năm làm Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai. Theo đó, hàng năm lấy tuần lễ này từ ngày 15 - 22/5 làm Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai với mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp Nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai để xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Năm 2023, Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2023 diễn ra từ ngày 15/5 đến 22/5/2023 với chủ đề: “Từ ứng phó đến hành động sớm”. Mục đích của Tuần lễ nhằm tăng cường thông tin, truyền thông; kỹ năng chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, phương án ứng phó với các tình huống thiên tai năm 2023 trên địa bàn. Đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm trong năm Việt Nam là Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai. Dịp này, Cổng Thông tin điện tử tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về vấn đề này.

Thưa ông, Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2023 có chủ đề: “Từ ứng phó đến hành động sớm”. Ông có thể nói rõ ý nghĩa của chủ đề này và các hoạt động hưởng ứng tại Bình Thuận những ngày qua?

Hiện nay, yêu cầu bảo đảm an toàn trước thiên tai của xã hội ngày càng cao trong bối cảnh quy mô dân số và nền kinh tế tăng nhanh. Những thách thức đặt ra đối với công tác phòng, chống thiên tai rất lớn, nhất là khi tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cường độ thiên tai trung bình có xu thế gia tăng, tần suất thiên tai lớn xuất hiện dày hơn, xuất hiện nhiều đợt thiên tai cực đoan trái so với quy luật trước đây. Vì vậy, từ ứng phó đến hành động sớm là việc làm thực sự cần thiết. Qua đó, nhận biết được loại thiên tai sắp xảy ra để hành động sớm, dựa vào cảnh báo sớm để thông báo kịp thời đến người dân và các cấp chính quyền, chỉ đạo quyết liệt để phòng tránh ngay từ những giờ đầu...

Với chủ đề của năm 2023 “Từ ứng phó đến hành động sớm” nghĩa là các cơ quan quản lý nhà nước cùng người dân, doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị đầy đủ về các phương án ứng phó, lực lượng, phương tiện, vật tư và hậu cần để ứng phó với từng loại thiên tai. Đồng thời cần có sự chỉ đạo, phối hợp, hiệp đồng nhịp nhàng từ Trung ương đến địa phương, chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên cơ sở những thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai của ngành Khí tượng thủy văn.

Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2023 tại Bình Thuận với mục tiêu nâng cao tinh thần trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị, địa phương và người dân trong cộng đồng; sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt là trong mùa mưa, bão năm 2023. Đồng thời, tăng cường thông tin, truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết, năng lực, kỹ năng nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai của người dân trong cộng đồng; treo pano, băng rôn với các khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai tại trụ sở làm việc.

Hiện nay Bình Thuận đang bước vào giai đoạn chuyển mùa, với dự báo diễn biến thời tiết phức tạp khó lường, nhất là hiện tượng El nino vào giữa cuối năm 2023. Ông có thể nhận định nguy cơ xảy ra thiên tai từ nay đến cuối năm?

Theo nhận định, tình hình thời tiết, thủy văn năm 2023 ở nước ta nói chung và Bình Thuận nói riêng sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường do tác động cực đoan của biến đổi khí hậu. Bão và áp thấp nhiệt đới năm 2023 trên khu vực biển Đông có khả năng tương đương với trung bình nhiều năm (khoảng 10-12 cơn). Dự báo lượng mưa các khu vực trong tỉnh ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đặc biệt, nguy cơ xảy ra thiên tai từ nay đến cuối năm có thể có các loại hình như mưa với tần suất lớn gây ngập lụt trên diện rộng. Ngoài ra, bão mạnh đổ bộ trực tiếp vào khu vực Bình Thuận, (bão hoạt động nhiều hơn từ tháng 8 - 10 và giảm dần từ tháng 11/2023); lũ ngập lụt trên diện rộng và mưa to kèm dông sét cục bộ, với gió giật mạnh; hạn hán thiếu nước có thể xảy ra vào cuối mùa mưa.

Việc chủ động phòng ngừa thiên tai cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, nhất là ý thức chủ động của người dân. Ông có thể cho biết những việc cần cần phải làm ngay trong năm 2023?

Trước những thách thức của thiên tai hiện nay, các ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai. Qua đó, nhằm tạo ra chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cũng như người dân, cộng đồng.

Thiên tai làm gãy đổ vườn sầu riêng tại Đa Kai - Đức Linh

Trong đó, tập trung ưu tiên thực hiện tốt các giải pháp: Chủ động thực hiện tốt phòng ngừa thiên tai, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Chủ động rà soát, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện kiểm soát an toàn thiên tai; điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng, xu thế diễn biến thiên tai và điều kiện của từng vùng, từng địa phương. Nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là của chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Người dân chủ động thực hiện phòng, chống thiên tai với sự hỗ trợ về thông tin cảnh báo, chỉ dẫn phòng, tránh của chính quyền các cấp. Chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai trên cơ sở chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với các kịch bản có thể xảy ra, trong đó có phương án ứng phó với lũ lớn, với bão mạnh, siêu bão, hạn hán thiếu nước kéo dài. Đồng thời, phối hợp tốt với các đơn vị cứu hộ, cứu nạn của có liên quan để chủ động sẵn sàng ứng phó, phòng tránh, cứu nạn, cứu hộ, ứng phó sự cố nhanh, kịp thời, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội khi có tình huống thiên tai, thảm hoạ xảy ra, đảm bảo tính khả thi, sát thực tiễn.

Mặt khác, chủ động đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai, bảo đảm tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; tăng cường khai thác thông tin với Đài trung tâm, các trạm thủy văn lân cận để cung cấp kịp thời các bản tin dự báo về thiên tai, cảnh báo thời tiết xấu, mưa, lũ nguy hiểm đến các cấp chính quyền và người dân trong cộng đồng biết, chủ động phòng tránh. Ưu tiên trang bị công nghệ quan trắc, tự động hóa, công cụ hỗ trợ chỉ đạo điều hành, ứng dụng khoa học công nghệ, mô phỏng tình huống, dự báo cho công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai.

Xin cảm ơn ông!

TT Dân thực hiện

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1