Ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật
Lượt xem: 1494

(binhthuan.gov.vn) Ở nước ta hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số trong quy trình xây dựng pháp luật còn hết sức hạn chế, việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) chủ yếu được thực hiện bằng các phương pháp thủ công, mất rất nhiều công sức của người soạn thảo nhưng cũng không bảo đảm sự chính xác cao, cụ thể là:

- Việc lấy ý kiến chính sách, dự thảo VBQPPL chủ yếu được thực hiện rất hình thức thông qua việc đăng tải toàn văn hồ sơ đề nghị, dự thảo VBQPPL trên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến. Việc xử lý các góp ý cũng được tiến hành  thủ công, không có hộp thư tự động để trả lời doanh nghiệp, người dân khi họ muốn tìm hiểu thêm về chính sách, dự thảo VBQPPL hoặc chỉ đơn giản là trả lời tự động về việc đã nhận được ý kiến góp ý và cảm ơn ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp.

- Không có kho lưu trữ dữ liệu điện tử dùng chung về các dự án, dự thảo VBQPPL để hiểu được lược sử các quy định cũng như việc tiếp thu chỉnh lý dự thảo, các ý kiến giải trình về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo để làm tư liệu cho các đề xuất nghiên cứu, sửa đổi bổ sung VBQPPL sau này.

- Chưa ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo để thực hiện việc rà soát VBQPPL để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống VBQPPL hiện hành. Rà soát VBQPPL là hoạt động vất vả, mất nhiều thời gian nhưng hoàn toàn được thực hiện bằng phương pháp thủ công bao gồm các công việc như tập hợp VBQPPL có liên quan đến dự án, dự thảo văn bản cần rà soát, xác định văn bản cần rà soát, nội dung cần rà soát theo nhóm vấn đề, xác định các mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập trong các VBQPPL để đề xuất sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ VBQPPL. Để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, người làm công tác xây dựng pháp luật phải thực hiện rà soát VBQPPL bằng phương pháp hoàn toàn thủ công như xem xét, đối chiếu với từng VBQPPL, từng quy định của pháp luật có liên quan. Công việc này mất rất nhiều thời gian nhưng lại chưa bảo đảm tính chính xác cao, còn bỏ sót nhiều quy định.

- Việc soạn thảo VBQPPL được thực hiện hoàn toàn thủ công bằng cách soạn thảo trên máy tính nên rất khó xác định các thay đổi sau mỗi lần chỉnh lý. Để bảo đảm tính chính xác của dự thảo, người làm công tác soạn thảo VBQPPL phải thực hiện thêm công việc là xây dựng bản so sánh giữa các dự thảo để có thể xác định chính xác những thay đổi của dự thảo so với các dự thảo trước đó. Việc soạn thảo bằng phương pháp thủ công rất dễ dẫn đến sai sót, nhất là sai sót về kỹ thuật như viện dẫn sai điều khoản do các điều khoản đã được chỉnh sửa trong quá trình soạn thảo. Việc chỉnh lý các dự thảo VBQPPL cũng được thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên mất rất nhiều thời gian đọc và soát lỗi chính tả, lỗi kỹ thuật trong dự thảo VBQPPL.

- Việc lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến góp ý là công việc nặng nhọc đối với người soạn thảo do khối lượng ý kiến góp ý rất lớn. Các ý kiến góp ý thường được gửi bằng bản giấy nên người tổng hợp ý kiến góp ý thường phải đánh máy lại các nội dung góp ý vào từng mục cụ thể của Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý. Thông thường đối với việc lấy ý kiến dự án luật phải bố trí từ 2 đến 3 người chắt lọc thông tin từ các ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khoảng thời gian từ 10 đến 15 ngày. Việc đánh máy lại các ý kiến mất rất nhiều thời gian nhưng việc tổng hợp ý kiến cũng khó bảo đảm tính chính xác. Việc tổng hợp ý kiến của các Đại biểu Quốc hội khi thảo luận tổ hay thảo luận tại Hội trường cũng là công việc đòi hỏi sự tỷ mỉ, chính xác, nhưng vẫn đang được thực hiện bằng phương pháp thủ công trong khi thời gian để Quốc hội cho ý kiến hoặc thông qua dự án luật rất ngắn.

Xuất phát từ những bất cập, hạn chế trong công tác soạn thảo VBQPPL ở Việt Nam hiện nay, việc tăng cường ứng dụng công nghệ số như sử dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng pháp luật là cần thiết và cấp bách. Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư phải thay đổi toàn diện, xuất phát từ các yếu tố cơ bản của pháp luật về không gian, thời gian, chủ thể pháp lý, các hành vi và phương tiện pháp luật, cơ sở và nội dung pháp luật. Theo đó, tác động của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và robot thông minh, không gian pháp luật sẽ bị thay đổi, có thể vượt ra khỏi phạm vi không gian lãnh thổ thông thường và đại lượng thời gian cũng sẽ thay đổi tương tự theo không gian pháp luật. Do đó, việc ứng dụng công nghệ số để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật cần phải bảo đảm các yêu cầu sau:

Thứ nhất, phải xuất phát từ yêu cầu của việc xây dựng VBQPPL có chất lượng, bảo đảm tính khả thi. Một quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL “mở” là yêu cầu bắt buộc đối với một xã hội phát triển nhưng phải được tiếp cận theo hướng hiện đại, cung cấp cơ sở dữ liệu đã được số hóa để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khai thác thông tin hiệu quả.

Thứ hai, sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ và sự hình thành và phát triển Chính phủ điện tử đòi hỏi phải nghiên cứu để thay đổi quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL theo cách thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ số, giảm áp lực cho người làm công tác soạn thảo VBQPPL đồng thời nâng cao chất lượng VBQPPL. Tuy nhiên, phải xác định được công đoạn nào của quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL cần ứng dụng công nghệ số vì việc đầu tư công nghệ số cho hoạt động xây dựng pháp luật là hết sức tốn kém.

Thứ ba, việc chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật là cần thiết nhưng không phải cố gắng làm theo phong trào mà phải lượng hóa được giá trị của việc chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật, tính toán được lợi ích và chi phí.

Tóm lại, để thích ứng với yêu cầu về chuyển đổi số thì quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL cũng phải linh hoạt, gắn với việc số hóa hồ sơ đề nghị xây dựng VBQPPL, dự án, dự thảo VBQPPL; phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước trong công tác xây dựng pháp luật; tạo lập dữ liệu mở về hệ thống VBQPPL, dự án, dự thảo VBQPPL để người dân, doanh nghiệp dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch trong công tác xây dựng pháp luật; chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ đề nghị xây dựng VBQPL, dự án, dự thảo VBQPL trên môi trường mạng, biểu mẫu, chế độ báo cáo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc ban hành VBQPPL; tăng cường gửi, nhận văn bản, báo cáo điện tử tích hợp chữ ký số; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ đề nghị xây dựng VBQPPL, dự án, dự thảo VBQPPL trên cơ sở ứng dụng công nghệ số như “dữ liệu lớn”, “trí tuệ nhân tạo”. Để thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau đây:

Một là, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật cho người làm công tác xây dựng pháp luật. Ứng dụng các kênh truyền thông đa dạng để nâng cao nhận thức; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số cho đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật để họ biết ứng dụng công nghệ số trong công việc xây dựng, soạn thảo VBQPPL.

Hai là, xây dựng, ứng dụng các nền tảng, kênh tương tác trực tuyến giữa cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp để tăng cường hiệu quả việc lấy ý kiến chính sách, dự thảo VBQPPL thông qua các nền tảng số; cung cấp dữ liệu pháp luật đã được số hóa về dự án, dự thảo VBQPPL để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.

Ba là, nâng cấp, vận hành Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo kết nối, liên thông trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương; phát triển, khai thác, sử dụng triệt để phần mềm soạn thảo VBQPPL; sử dụng hiệu quả mạng Internet để khai thác thông tin phục vụ hoạt động xây dựng pháp luật.

Bốn là, phát triển hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung về xây dựng pháp luật, kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sử dữ liệu của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu nhưng phải có hệ thống giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng để dùng chung dữ liệu pháp luật giữa các cơ quan nhà nước. Nâng cao khả năng tích hợp, kết nối liên thông, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, hạ tầng cơ sở thông tin, hạn chế đầu tư trùng lặp.

Năm là, nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật theo hướng đầu tư, nâng cấp trang thiết bị sẵn có; ứng dụng công nghệ số trong xây dựng pháp luật; xác định các vấn đề cần ưu tiên chuyển đổi số trong chiến lược quốc gia về chuyển đổi số để tập trung nguồn lực nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các VBQPPL có liên quan.

Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng pháp luật, theo đó cần tổ chức tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hội nhập và lĩnh hội những thành tựu của các quốc gia trong việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng pháp luật.

Như vậy, không nhất thiết mọi hoạt động trong xã hội phải thực hiện việc chuyển đổi số mà việc chuyển đổi số trước tiên phải xuất phát từ nhu cầu nội tại của các hoạt động và phải thuận theo quy luật khách quan. Hiện nay, chúng ta chưa đào tạo được nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật chất lượng cao, thành thạo công nghệ, đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật. Do đó, chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật cũng phải tiến hành từng bước không nên nóng vội vì nguồn kinh phí để đầu tư cho việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng pháp luật là rất lớn nhưng hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng pháp luật là không thể phủ nhận./.

Hải Lam Phương

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1