HIỆU QUẢ TRONG TRIỂN KHAI, SỬ DỤNG GIỐNG LÚA NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG CAO GẮN VỚI LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HÀM THUẬN BẮC
Huyện Hàm Thuận
Bắc là huyện Miền núi của tỉnh Bình Thuận, có 17 xã, thị trấn, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, cây trồng
chủ lực vẫn là cây Lúa và cây Thanh long. Riêng cây lúa diện
tích 10.556,87
ha, giống chủ lực vẫn là ML48,
năng suất bình quân 60 tạ/ha/vụ, có nơi chỉ đạt 55 tạ/ha/vụ. Nguyên nhân dẫn đến
năng suất thấp là do người nông dân đã quen
với tập quán sản xuất cũ, gieo mật độ dày, không chịu ứng dụng những tiến bộ
khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là thay đổi bộ giống khi bị thoái hóa; việc
sản xuất còn cá nhân tự phát, manh mún, nhỏ lẻ,... do đó lợi nhuận thu được từ sử dụng, sản xuất giống lúa ML48 rất thấp
khoảng 13 triệu/ha/vụ. Từ nguyên nhân trên, vấn đề đặt ra trong sản xuất nông
nghiệp hiện nay là làm sao để nâng cao năng suất Lúa và đem lại lợi nhuận cao
nhất, cải thiện đời sống cho người nông dân, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông
thôn toàn huyện là nhiệm vụ cấp thiết của các cấp, các ngành trong thời gian tới.

Tại vụ Hè thu năm 2021, trong điều
kiện có nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng lớn của đại dịch
Covid-19…đã tác động không nhỏ
đến sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã nỗ lực, cố gắng
tổ chức 9 buổi hội thảo sử dụng giống lúa mới, năng suất, chất lượng cao gắn với liên kết chuỗi sản
xuất và tiêu thụ sản phẩm trong vụ Hè thu năm 2021; triển khai thí điểm tại 6 xã,
thị trấn (Thuận Hòa, Hàm Phú, Thuận Minh, Hồng Liêm, Hồng
Sơn và thị trấn Ma Lâm), từ đó đánh giá toàn
diện những ưu điểm, hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện, rút kinh
nghiệm và làm cơ sở để triển khai sản xuất đồng loạt trong những năm kế tiếp.
Theo kết quả khảo sát và đánh giá trong quá trình sản xuất,
thu hoạch vụ Hè thu 2021 tại 06 xã, thị trấn, nhận thấy: Bên cạnh giống
chủ lực hiện nay là ML48 (giống đối chứng), thì các giống mới được triển khai,
sử dụng như OM 5451, OM 18, Đài thơm 8, ST 24, ST 25 với diện tích 343,65ha/274 hộ. Đây là những giống có nhiều ưu điểm nổi trội, thể hiện ở
các đặc tính như tỷ lệ nảy mầm cao từ
85-95%, khả
năng kháng sâu, bệnh tốt (mức độ nhiễm từ 03-17%) so với giống đối chứng (mức độ
nhiễm 30-50%), chi phí đầu tư chăm sóc, thu hoạch giãm hơn so với giống đối chứng
từ 1,5-4 triệu đồng/ha, do chỉ cần sử dụng lượng giống khoảng 120-150 kg/ha là cho năng suất trung bình đạt 63-68 tạ/ha, so với giống đối chứng (ML 48) sử dụng
với lượng giống 300-350 kg/ha, nhưng năng suất chỉ đạt 57-63 tạ/ha. Lợi nhuận thu
được từ sản xuất giống lúa mới theo quy trình SRI bình quân cao hơn giống đối
chứng từ 3-7 triệu đồng/ha.
Từ kết quả trên cho thấy, các giống lúa mới này thích hợp
cho việc sản xuất đại trà trên địa bàn huyện, đặc biệt khi thực hiện mô hình
liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thì bà con nông dân an tâm trong khâu
tiêu thụ sản phẩm sau khi thu hoạch. Với những ưu điểm của bộ giống trên trong
vụ Hè Thu, nên bà con nông dân nhiều nơi đã tiếp tục sử dụng sản xuất thêm 200
ha các giống năng suất, chất lượng cao trong vụ Mùa 2021, dự kiến sản xuất khoảng
1.086 ha trong vụ Đông Xuân năm 2021-2022. Để các giống Lúa nêu trên được
sản xuất đại trà và đem lại hiệu quả cao trong thời gian
đến, cũng như làm tốt trong khâu liên kết sản xuất và tiêu thụ, thì các cấp, các ngành trong
huyện cần có sự phối hợp với các đoàn thể chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có sự phối, kết hợp đồng
bộ giữa Nhà nông-Nhà nước-Doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ
Lúa.
Đây được xem như là điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp năm 2021, là bước
đệm để nâng cao hiệu quả của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, là điểm khởi đầu để
thay đổi tư duy, tập quán trong sản xuất Lúa của bà con nông dân, thấy được lợi
ích của việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật, nhất là trong khâu chọn giống.
Chuyển dần từ giống năng suất thấp, chất lượng không cao sang sử dụng bộ giống
năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; chuyển
từ sản xuất manh mún, nhỏ lẽ sang sản xuất tập thể có gắn với liên kết sản xuất
và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện; chuyển từ sản xuất vô cơ, không an
toàn, sang sản xuất hữu cơ, bền vững, nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030, ngành nông nghiệp của huyện đạt trình độ khá về ứng dụng công nghệ
cao, nông nghiệp hữu cơ; có hệ sinh thái phát triển bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người
nông dân, góp phần xây dựng
huyện Hàm Thuận Bắc trở thành
huyện Nông thôn mới toàn diện./.
- Như Quỳnh- PNN&PTNT.