Trên cơ sở nhận
thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, Nghị quyết
Đại hội Đảng bộ huyện Hàm Thuận Bắc, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định cải cách
hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá. Quá trình thực hiện Nghị quyết,
nhất là từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU thì Ban Thường
vụ Huyện ủy Hàm Thuận Bắc đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Định
kỳ hàng tháng, Thường trực Huyện ủy đều nghe UBND huyện báo cáo công tác cải
cách hành chính, việc khắc phục các hạn chế, yếu kém về các chỉ số cải cách
hành chính hàng năm đã được UBND tỉnh chỉ ra. Qua đó chỉ đạo các biện pháp, giải
pháp nhằm nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, đến nay đạt được một số kết
quả như sau:
Thực hiện chỉ
đạo của UBND tỉnh và Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch thực
hiện các giải pháp nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính năm 2021 và giai
đoạn 2021-2025 theo đúng tinh thần Kế hoạch số 2992/KH-UBND ngày 12/8/2021 của UBND
tỉnh và kế hoạch khắc phục những tồn tại hạn chế qua kết quả đánh giá xếp loại
chỉ số cải cách hành chính năm 2021. Trong các Kế hoạch này, UBND huyện đã giao
nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, từng xã, thị trấn thực hiện các nội dung công
việc để khắc phục các hạn chế, tồn tại mà đã làm cho các chỉ số không có điểm
hoặc điểm thấp.
Hàng tháng, Lãnh
đạo UBND huyện làm việc với các ngành liên quan và Bộ phận Một cửa huyện để
nghe kết quả khắc phục các tồn tại, hạn chế và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc
về giải quyết hồ sơ hành chính. Nhờ đó, đến nay 09 tồn tại, hạn chế lớn về chỉ
số cải cách hành chính năm 2021 đã được UBND tỉnh chỉ ra cơ bản UBND huyện đã
khắc phục.
Đối với việc
thực hiện 03 mô hình thí điểm, gồm: (1)chuyển giao để Bưu điện thực
hiện việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cho tổ chức công dân; (2)hướng
dẫn nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4; (3)mô hình công dân không viết
được UBND huyện triển khai thực hiện tại Bộ phận Một cửa huyện, Bộ phận Một cửa
xã Thuận Hòa và Bộ phận Một cửa thị trấn Ma Lâm từ ngày 15/9/2021 đến cuối
tháng 03/2022. Quá trình thực hiện các đơn vị thực hiện thí điểm đều cơ bản thực
hiện đúng hướng dẫn số của Sở Nội vụ và đạt được một số kết quả tích cực. Sau
thời gian thực hiện thí điểm 03 mô hình trên, cho thấy mô hình “công dân không
viết” rất thiết thực đối với người dân khi kê khai các thủ tục hành chính, nhất
là hồ sơ hành chính trên lĩnh vực đất đai, trong khi chờ UBND tỉnh tổng kết,
đánh giá và cho chủ trương nhân rộng, Ban Thường vụ Huyện ủy đã cho chủ trương
cho UBND huyện phối hợp với Ban Thường vụ Huyện đoàn triển khai thực hiện thí
điểm Đội thanh niên tình nguyện hướng dẫn kê khai hồ sơ thủ tục hành chính tại Bộ
phận Một cửa huyện từ ngày 04/5/2022. Qua hơn 02 tháng thực hiện mô hình này được
người dân đồng tình ủng hộ về mô hình này. Theo kế hoạch vào đầu tháng 8/2022
huyện sẽ sơ kết mô hình này và sẽ nhân rộng tại Bộ phận Một cửa các xã, thị trấn.
Tuy nhiên,
công tác cải cách hành chính, nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính cũng
còn nhiều mặt hạn chế, nổi lên đó là tỉ lệ hồ sơ hành chính trên lĩnh vực đất
đai giải quyết trễ hẹn còn ở mức cao. Hạn chế này có nhiều nguyên nhân, trong
đó có nguyên nhân là số lượng hồ sơ hành chính trên lĩnh vực đất đai của cá
nhân, hộ gia đình có nhu cầu giải quyết khá nhiều như chỉ trong 05 tháng đầu
năm 2022 Bộ phận Một cửa của huyện đã tiếp nhận đến 11.433 hồ sơ về đất đai bằng
số lượng tiếp nhận hồ sơ về đất đai cả năm 2020. Từ đó dẫn tới quá tải trong việc
tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, mặc dù UBND huyện đã
chỉ đạo công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa huyện và các cơ quan
liên quan làm thêm giờ, làm thêm ngày nghỉ nhưng vẫn chưa khắc phục triệt để, dẫn
tới chỉ số hài lòng của người dân về thực hiện thủ tục hành chính còn thấp.
Ngoài nguyên
nhân trên, huyện Hàm Thuận Bắc hiện đang gặp khó khăn trong việc nâng chỉ số cải
cách hành chính và chỉ số hài lòng của người dân về thực hiện thủ tục hành
chính, đó là:
Thứ nhất, việc cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận QSD đất
theo Dự án tổng thể 920 đến nay vẫn chưa được thực hiện theo cơ chế một cửa, một
cửa liên thông nên huyện chưa kiểm soát được thời gian tiếp nhận, luân chuyển hồ
sơ của cấp xã và thời hạn giải quyết của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai
huyện, vì theo quy định tại Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 của UBND tỉnh
thì hồ sơ này người sử dụng đất nộp tại UBND cấp xã, sau đó luân chuyển hồ sơ
này đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện.
Thứ hai, việc luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính
về đất đai của người sử dụng đất giữa Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện
với Chi cục thuế khu vực Hàm Thuận Nam - Hàm Thuận Bắc còn nhiều bất cập, vẫn
còn luân chuyển hồ sơ giấy theo quy định tại Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 10/8/2018
của UBND tỉnh, dẫn tới ban hành thông báo thuế chậm trễ, gây bức xúc, phiền hà cho
người dân. Trong khi đó việc thực hiện Quyết định số 443/QĐ-UBND ngày 11/02/2022
của UBND tỉnh về ban hành Quy chế phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan Đăng ký
đất đai trong việc trao đổi thông tin theo hình thức điện tử để xác định nghĩa
vụ tài chính về đất đai trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được vì hiện nay chưa
có phần mềm.
Để tiếp tục triển
khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 07/9/2021 của Ban Thường vụ
Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các chỉ số PAR
INDEX, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, tiếp tục triển
khai thực hiện đầy đủ các nội dung về công tác CCHC năm 2022 được xác định tại Kế
hoạch số 4890/KH-UBND ngày 22/12/2021 của UBND tỉnh và Kế hoạch số 12/KH-UBND
ngày 14/01/2022 của UBND huyện. Phấn đấu giữ vững thứ hạng và đạt loại Tốt về
chỉ số CCHC năm 2022, nhiệm vụ cụ thể trong thời gian đến:
- Thường xuyên
quán triệt, tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức,
đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn huyện nhận thức sâu sắc về ý nghĩa,
tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, xem đây là nhiệm vụ thường
xuyên, cấp bách, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là chỉ ra những
việc làm được và chưa làm được, mức độ hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo
điều hành của bộ máy nhà nước; những phản ánh, cảm nhận và mong muốn của người
dân về chất lượng phục vụ của bộ máy nhà nước. Qua đó, tạo sự chuyển biến cả về
nhận thức, thái độ và hành động trong thực hiện cải cách hành chính của đội ngũ
cán bộ, công chức, viên chức, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước
đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và trách nhiệm, mức độ
hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
- Chỉ đạo, triển
khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm khắc phục có hiệu quả các hạn chế,
yếu kém trong công tác cải cách hành chính của cơ quan đơn vị mình. Thường
xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi
phạm về công tác cải cách hành chính, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
trong phạm vi quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển; thay thế ngay những cán bộ,
công chức, viên chức có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà đối với người dân và doanh
nghiệp.
- Thực hiện việc
công khai các loại quy hoạch; nhất là quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử
dụng đất đúng quy định, thuận lợi nhất cho tổ chức và công dân khi tiếp cận
thông tin. Đẩy mạnh thực hiện văn hóa công sở, không để xảy ra tình trạng nhũng
nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân.
Thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với các trường hợp trễ hẹn,
sai sót trong giải quyết thủ tục hành chính.
- Đẩy mạnh công
tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc giải quyết thủ tục hành chính ở
các lĩnh vực phức tạp, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Tài nguyên, môi
trường, đầu tư, xây dựng...
N.V.B