UBND tỉnh làm việc với Đoàn công tác của ADB về các dự án sắp được triển khai trên địa bàn
Lượt xem: 1793

(binhthuan.gov.vn) Chiều 06/12/2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Phan Văn Đăng đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với Đoàn công tác của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về Dự án Cải thiện môi trường các đô thị loại II - hợp phần tỉnh Bình Thuận vay vốn ADB.

Dự án Cải thiện môi trường đô thị các thành phố loại II - Hợp phần tỉnh Bình Thuận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án tại Công văn số 1816/TTg-QHQT ngày 27/12/2021 với quy mô đầu tư gồm 04 hợp phần: (1) Bổ sung cống thoát nước mưa, nước thải cho khu vực trung tâm thành phố, cải tạo nâng công suất cho Trạm xử lý nước thải của thành phố Phan Thiết; (2) Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải cho phường Hàm Tiến, Mũi Né; (3) Kè biển kết hợp đường quản lý, cứu hộ cứu nạn dọc đường Trần Lê chống xói lở, xâm thực ven biển; (4) Kè, nạo vét hai bên sông Cà Ty đoạn từ cầu Dục Thanh đến cầu Cà Ty. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 132 triệu USD (khoảng 3.062,5 tỷ đồng), trong đó gồm vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) khoảng 80 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 13 triệu USD và vốn đối ứng khoảng 39 triệu USD. Nguồn vốn vay ADB dự kiến sẽ được sử dụng cho công tác thi công xây dựng, thiết bị, tư vấn giám sát thi công. Vốn đối ứng sẽ được sử dụng cho công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, công tác giải phóng mặt bằng, tư vấn thiết kế chi tiết.

Ngày 04/5/2022, đại diện ADB, đại diện UBND thành phố Phan Thiết và đại diện UBND tỉnh Bình Thuận đã ký kết Biên bản ghi nhớ dự án. Ngày 05/5/2022, UBND tỉnh đã có Công văn số 1301/UBND-ĐTQH giao cho UBND thành phố Phan Thiết làm chủ đầu tư dự án Cải thiện môi trường các đô thị loại II - Hợp phần tỉnh Bình Thuận.

Tại buổi làm việc, tỉnh Bình Thuận và Đoàn công tác của ADB đã thảo luận các giải pháp kỹ thuật liên quan đến dự án của ADB; các điểm khác biệt trong quy định về chính sách đền bù, hỗ trợ và tái định cư giữa yêu cầu của ADB và các quy định của pháp luật Việt Nam… Từ đó thống nhất phương án áp dụng khi triển khai dự án của ADB trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Phan Văn Đăng, khẳng định: Liên quan đến giải pháp kỹ thuật của các đoạn kè thuộc dự án của ADB, tỉnh Bình thuận cơ bản nhất trí với đề xuất của Đoàn công tác của ADB.

Lãnh đạo tỉnh đề nghị Đoàn công tác của ADB cần xây dựng những giải pháp đảm bảo tính bền vững lâu dài cho tất cả các đoạn kè thuộc dự án. Để hỗ trợ, tỉnh Bình Thuận sẽ cung cấp cho đoàn công tác các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam; đồng thời cả hai bên sẽ trao đổi về định mức xây dựng, cũng như thiết kế cụ thể của các đoạn kè này sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Đối với việc triển khai chính sách đền bù thuộc phần đoạn kè hai bên bờ sông Cà Ty, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhất trí với đề xuất chính sách bồi thường của phía ADB.

Lãnh đạo tỉnh cho biết thêm: Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đang gấp rút triển khai các đoạn kè quan trọng hai bên bờ sông Cà Ty, do đó việc thực hiện giải phóng mặt bằng sẽ sớm hơn dự kiến. Trước mắt, Bình Thuận sẽ áp dụng chính sách đền bù theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam để làm trước đoạn kè này. Sau khi dự án của ADB được phê duyệt, Bình Thuận sẽ rà soát lại các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dự án để triển khai chính sách bồi thường theo tiêu chuẩn của ADB./.

Hữu Tri

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1