Phú Quý: Ghi nhận một số kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”

Phú Quý là huyện đảo xa của tỉnh; trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ và nhân dân huyện đảo đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt những thành tựu quan trọng. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Hoạt động lĩnh vực văn hoá - xã hội luôn được chú trọng quan tâm, từng bước phát triển; việc thực hiện các chính sách y tế, giáo dục, an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, hoạt động từ thiện nhân đạo, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”..., đạt kết quả thiết thực.

Nhận định, tình hình kinh tế phát triển, chất lượng đời sống nhân dân được cải thiện, nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần đa dạng trong nhân dân cũng sẽ được nâng cao; nếu không có sự định hướng, tuyên truyền, giáo dục, tiếp cận có chọn lọc, thì ít nhiều sẽ tác động trong nhận thức nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về trào lưu, thị hiếu thực dụng, lai căng, tầm thường, những sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập trên địa bàn huyện đảo; dẫn đến những hệ lụy khó lường về vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội...

Trong những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 56-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Thông báo Kết luận số 213-TB/TW của Ban Bí thư (khóa X) về đấu tranh chống các quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật; Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước... đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, cùng với quá trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”... tạo chuyển biến rõ nét nhận thức tư tưởng, ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, quan điểm chỉ đạo của đảng, vị trí, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý văn hóa, quản lý xã hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đấu tranh phê phán, ngăn chặn, bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội; tạo sự thống nhất trong đảng, đồng thuận xã hội trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện; góp phần bảo vệ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, di tích lịch sử văn hóa gắn liền với xây dựng đời sống văn hóa mới luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, đơn vị, địa phương quan tâm; thực hiện tốt phương châm “xây” đi đôi với “chống”, trong đó lấy “xây” làm chính. Một số lễ hội truyền thống được khôi phục, duy trì tổ chức định kỳ hàng năm như: Lễ cầu ngư, Lễ tế Thu (Xuân - Thu nhị kỳ); các di sản văn hóa Hán Nôm hiện còn lưu giữ khá phong phú và đa dạng, từ hình thức đến nội dung (như: Sắc phong, Hoành phi, Liễn đối, bài vị, Đại tự, Văn tế, Minh văn trên Đại hồng chung, Bản tán dương công đức...). Chương trình Chào xuân mới, giải đua thuyền truyền thống, leo núi Cấm (lễ thắp hương báo công tại đuốc Bác Hồ) được duy trì tổ chức vào dịp Tết cổ truyền dân tộc hàng năm; các hoạt động lễ hội thường kèm theo phần hội là tổ chức rước sắc, nghinh thần, hát bùa (tiểu ca), hát bộ, múa tứ linh, long lân, múa cọp, chèo bá trạo, đua thuyền, lắc thúng và một số trò chơi dân gian khác.

Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, kiểm soát văn hóa phẩm độc hại, quản lý di tích, lễ hội... trên địa bàn luôn được các cấp, các ngành quan tâm, tăng cường, thực hiện thường xuyên, định kỳ, đột xuất.

Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, nhất là sự phát triển của công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho các sản phẩm văn hóa độc hại, các quan điểm sai trái xâm nhập; một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đơn vị, địa phương, bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ về mức độ tinh vi, nguy hiểm trong các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Môi trường văn hóa hiện nay đa dạng, phong phú, có khả năng nuôi dưỡng, khích lệ các ý tưởng tốt đẹp, song mặt trái của nó cũng để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm, niềm tin của bộ phận người dân, nhất là thế hệ trẻ, trong đó có cả văn nghệ sĩ, trí thức. Cơ chế quản lý hoạt động văn hóa, kiểm tra, giám sát, kiểm duyệt các tác phẩm văn học nghệ thuật, các trang mạng xã hội còn lỏng lẻo, hạn chế, bất cập.

 Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 46-CT/TW, các cấp ủy, chính quyền, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện đảo tăng cường quán triệt, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, nâng cao nhận thức bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay. Cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa, ban hành các văn bản phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn của địa phương. Chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa. Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý văn hóa.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, sự phối hợp tham gia chủ động tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong lĩnh vực văn hóa, ngăn chặn, bài trừ, chống sự xâm nhập và tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hóa độc hại. Thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc” và các phong trào thi đua yêu nước, hành động cách mạng thiết thực, hiệu quả... nâng cao ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân, gương người tốt, việc tốt, xây dựng văn hóa lãnh mạnh, giữ gìn đạo đức, thuần phong mỹ tục, chống sự xâm nhập của sản phẩm văn hóa độc hại. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn, góp phần xây dựng môi trường văn hóa - xã hội trong sách, lành mạnh, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân...

                                                                                            KỲ DANH

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Designed by VNPT
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang