Phú Quý: Một số kết quả đạt được trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020.

Trong 05 năm qua (2015-2020), huyện Phú Quý triển khai phong trào thi đua yêu nước trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội trong bối cảnh không ít khó khăn, thách thức, thời tiết diễn biến phức tạp, ngư trường ngày càng cạn kiệt, công tác thu hút, kêu gọi đầu tư khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa hoàn thiện... Tuy có những khó khăn nhất định, nhưng các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức Mặt trận, đoàn thể, cán bộ, chiến sĩ và toàn thể nhân dân trên huyện đã nhận thức đúng đắn vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, thách thức tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2015 - 2020) đạt kết quả quan trọng và khá toàn diện, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội cơ bản ổn định và phát triển, nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính quyền các cấp. 

          Theo đó, để tổ chức thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) đúng theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên; hàng năm, trên cơ sở các văn bản về thực hiện công tác TĐKT của Trung ương, Tỉnh và Huyện ủy như: Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới công tác TĐKT; Chỉ thị số 52-CT/TU ngày 04/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đổi mới, công tác TĐKT; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 19/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch 05 năm (2016-2020) và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác TĐKT về các phong trào thi đua, cụ thể như: Phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”; Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Phong trào thi đua “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” và Phong trào thi đua trên địa bàn khu phố, thôn theo Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 21/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn các Phong trào thi đua với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phong trào “Bình Thuận chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau giai đoạn 2016-2020”…UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, các Cụm, Khối thi đua trên địa bàn huyện tổ chức phổ biến, quán triệt kịp thời, đầy đủ các văn bản trên đến cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị và các thành viên của Cụm, Khối thi đua mình để thực hiện.

          Qua 05 năm triển khai thực hiện, phong trào thi đua yêu nước trên toàn huyện tiếp tục có nhiều đổi mới, phát triển sâu rộng, công tác thi đua được xác định là những việc làm thường xuyên, hàng ngày của mỗi cán bộ, công chức và toàn thể nhân dân; qua đó, đã đạt một số kết quả trên các lĩnh vực như sau:

- Kinh tế biển tiếp tục phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đây là động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển; sản lượng khai thác hàng năm đạt từ 29 đến 30 ngàn tấn. Năng lực tàu cá của toàn huyện hiện có là 1.394 chiếc/256.653CV, tăng 120 chiếc/110.036CV so với đầu nhiệm kỳ. Chính sách hỗ trợ khai thác hải sản trên vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại hóa và bền vững, giúp ngư dân tiếp cận nhanh nguồn vốn vay ưu đãi để mạnh dạng đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, giúp ngư dân vươn khơi bám biển, nâng cao thu nhập cũng như góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

- Sản xuất nông - lâm nghiệp tiếp tục mang lại hiệu quả tốt, nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây ngắn ngày sang trồng cây lâu năm mang lại hiệu quả; nhiều mô hình phát triển kinh tế đã hình thành, giá trị sản phẩm thu nhập bình quân trên 01 ha đã tăng lên đáng kể từ 45,80 triệu đồng (vào năm 2015) lên 51,42 triệu đồng (vào năm 2018); việc ứng dụng khoa học - công nghệ cho ra hoa trái vụ đối với một số cây ăn quả nhằm tăng giá trị nông sản, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Công tác quản lý bảo vệ rừng và trồng cây xanh vì sự phát triển bền vững được các cấp, ngành quan tâm tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt, được nhân dân hưởng ứng tích cực; đến nay, hầu hết các mảnh rừng trên địa bàn huyện đều đảm bảo độ tán che phủ theo quy định, độ tán che phủ đạt 47,49%.

- Công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá, sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: sửa chữa tàu thuyền, xuất khẩu hải sản, sản xuất điện, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nước đá... Hoạt động kinh doanh du lịch tiếp tục phát triển, chất lượng phục vụ du khách được chú trọng hơn, tình hình an ninh trật tự ở các khu, tuyến, điểm du lịch của huyện được bảo đảm, lượng du khách ngày càng tăng; hệ thống nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ… tăng cao([1]). Đặc biệt, trong năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2908/QĐ-UBND ngày 26/10/2018 về việc phê duyệt Đề án quy hoạch Khu du lịch huyện Phú Quý đến năm 2030. Chất lượng dịch vụ bưu chính - viễn thông được nâng lên, công tác bảo đảm giao thông, lưu thông đi lại được thực hiện tốt. Vận tải đường bộ, đường biển ổn định, đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của nhân dân.

          - Công tác đầu tư phát triển và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được quan tâm, thực hiện, việc huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong giai đoạn tương đối cao. Đã tập trung đầu tư cho các công trình trọng điểm và lớn như:  Kè chống xói lở bảo vệ bờ biển đảo Phú Quý, Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Phú Quý, cải tạo đê chắn sóng cảng Phú Quý, nâng cấp, mở rộng đường vành đai và hệ thống đường giao thông quanh đảo; các công trình lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; đầu tư cho cơ quan hành chính, sự nghiệp và các khu dân cư trên địa bàn. Đồng thời, đã huy động nguồn lực tập trung cho các lĩnh vực như: Hệ thống nhà máy điện đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa; hệ thống kho xăng dầu tại khu vực cảng Phú Quý phục vụ sẵn sàng chiến đấu và cung cấp dịch vụ hậu cần phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, Nhà máy xử lý rác huyện Phú Quý đã được triển khai khởi công và đang từng bước tiến hành thi công… Trong 5 năm qua, đã kêu gọi, thu hút được 3 dự án tàu trung, cao tốc với tổng số vốn 210,5 tỷ.

          - Công tác quản lý trật tự xây dựng, tài nguyên và môi trường được quan tâm, chỉ đạo, việc điều chỉnh quy hoạch đã được HĐND huyện thông qua, hiện đang hoàn thiện các nội dung theo hướng dẫn của Sở Xây dựng để trình thẩm định. Công tác quản lý tài nguyên, môi trường được chú trọng, kịp thời ngăn chặn tình trạng khai thác đất cát ven biển để đúc đá táp lô, làm vật liệu xây dựng, khoan giếng, xả nước thải, rác thải ra môi trường… Công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt kết quả khá. Trong 04 năm đã cấp được: 1.815 giấy/137,65ha; trong đó: Đất nông nghiệp: 1272 giấy/128,15ha, đất ở: 496 giấy/8,54ha, đất khác: 47 giấy/0,96ha.  

          - Thu ngân sách tăng trưởng khá, chi ngân sách đảm bảo yêu cầu, công tác thu ngân sách nhà nước được quan tâm chỉ đạo sâu sát, bảo đảm thu đúng, thu đủ, chống thất thu, kết quả hàng năm đều thu đạt và vượt kế hoạch tỉnh giao([2]). Điều hành chi ngân sách đúng theo dự toán và quy định hiện hành; cơ bản đảm bảo nhu cầu chi lương, các khoản chi thường xuyên cần thiết và chi cho đầu tư xây dựng cơ bản.

- Sự nghiệp giáo dục - đào tạo chuyển biến tích cực, chất lượng dạy và học tăng lên hàng năm, số học sinh khá giỏi tăng, học sinh yếu kém giảm; tỷ lệ thi đậu tốt nghiệp THPT và thi đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đạt kết quả cao. Công tác đào tạo nghề được quan tâm đúng mức, thực hiện đạt chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm đề ra. Tập trung đào tạo các nghề lợi thế tại địa phương như Thuyền trưởng, máy trưởng, Nhà hàng, khách sạn, chế biến thức ăn…Qua 05 năm đào tạo cho 600 học viên, trên 95% số học viên sau khi học nghề đều có việc làm ổn định.

- Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, các hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được duy trì tốt; các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai thực hiện nghiêm túc. Công tác phòng, chống dịch bệnh được quan tâm thực hiện tốt. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình được triển khai tích cực; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm: Năm 2016 là 14,15% giảm xuống còn 13,22% trong năm 2019; tình trạng tảo hôn: Năm 2016 là 11 trường hợp, đến năm 2019 là 06 trường hợp; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm đáng kể qua từng năm (năm 2016: 9,5%, đến năm 2019 là 8,11%).

- Hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục - thể thao tiếp tục mở rộng, công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng kịp thời, đa dạng, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, thiết thực phục vụ các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm của quê hương, đất nước, nhiều chương trình được tiếp tục duy trì, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển rộng khắp và nâng cao chất lượng; hàng năm, có trên 95% số hộ đạt gia đình văn hoá, 98% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, có 100% số thôn đạt chuẩn văn hoá cấp huyện theo tiêu chí mới.

- Các chính sách an sinh xã hội và công tác giảm nghèo được thực hiện tích cực, việc thực các chế độ giải quyết cho các đối tượng bảo trợ xã hội kịp thời, đúng quy định, qua 5 năm thực hiện 24.562 triệu đồng. Chính sách đền ơn, đáp nghĩa được thực hiện tốt, quỹ đền ơn đáp nghĩa được thực hiện xuyên suốt nhằm hỗ trợ cho các gia đình chính sách, Người có công, cải tạo, sửa chữa Bia ghi tên Liệt sĩ, Đuốc Bác… Quỹ đền ơn đáp nghĩa của huyện đã huy động được 647 triệu đồng. Kết quả thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo trong nhiệm kỳ thực hiện đạt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2016 là 1,42%, qua 04 năm thực hiện đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 0,65%.

- Việc ứng dụng khoa học - công nghệ có hiệu quả, công tác phát triển hạ tầng viễn thông ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, cải cách hành chính được đẩy mạnh thực hiện; ứng dụng và thực hiện tốt các phần mềm chuyên ngành, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, phần mềm một cửa điện tử liên thông, hộp thư điện tử công vụ... bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt và an toàn an ninh thông tin. Hiện nay, có 100% cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến xã sử dụng thành thạo máy vi tính trong giải quyết công việc; 100% cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp có kết nối mạng Internet để xử lý công việc và khai thác dữ liệu.

- Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động của HĐND các cấp có những bước chuyển biến tích cực, tăng cường giám sát, thúc đẩy thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương; trách nhiệm của đại biểu dân cử được phát huy, đã tạo điều kiện cho nhân dân gặp gỡ để phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình với chính quyền địa phương. Công tác cải cách hành chính được quan tâm thực hiện khá tốt; triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa”, một cửa liên thông” trên các lĩnh vực theo quy định. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ hàng năm đều đạt trên 99%. Thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ, công chức; bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn, kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức theo kế hoạch, góp phần nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ công chức.

        - Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm, công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng luôn được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức thực hiện và triển khai thường xuyên. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tổ chức đối thoại với nhân dân theo quy định. Công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật; trong giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo tính khách quan, chính xác đã góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương.

- An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng tiếp tục được tăng cường, lực lượng vũ trang luôn được củng cố, trưởng thành và phát triển về số lượng, chất lượng; nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân luôn được phát huy hiệu quả; hoàn thành tốt công tác tuyển quân hàng năm, kết quả giao quân đạt 100% cấp trên giao. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, giáo dục, cảm hoá được đẩy mạnh.

- Phong trào thi đua trong cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể, hội quần chúng được đẩy mạnh, từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở; triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua chất lượng ngày một nâng lên. Việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được tập trung lãnh đạo tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, hưởng ứng thực hiện đạt kết quả khá tốt.

Qua tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi trong toàn huyện, đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, sáng kiến hữu ích được hình thành, duy trì, nhân rộng; nhiều tập thể, cá nhân gương mẫu, tích cực, duy trì liên tục thành tích đã được trung ương, tỉnh, huyện công nhận nhiều danh hiệu và trao tặng các hình thức khen thưởng. Tiêu biểu có các mô hình nổi bật hoạt động có hiệu quả như: Mô hình “tự phòng, tự quản ANTT”, “Ánh sáng an ninh” tại 03 xã; mô hình “kinh tế tập thể” tại xã Long Hải và xã Ngũ Phụng; mô hình “Nuôi gà thương phẩm” ở xã Tam Thanh; mô hình trồng rau sạch xã Tam Thanh, Ngũ Phụng... Nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn, thu hút hàng chục lao động, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như mô hình đánh bắt xa bờ; mô hình sửa chữa ghe thuyền… xuất hiện nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi như: ông Ngô Văn Lấm - thôn Phú Long xã Long Hải; ông Lê Đức Sơn - thôn Phú An xã Ngũ Phụng; bà Tạ Thị Ánh - thôn Phú An xã Ngũ Phụng; Huỳnh Tho - thôn Phú An xã Ngũ Phụng; ông Huỳnh Hảo - Thôn Mỹ Khê xã Tam Thanh; ông Châu Văn Diễn - Thôn Triều Dương xã Tam Thanh…

Trong phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao đã có một số tập thể, cá nhân điển hình, đạt nhiều thành tích xuất sắc, được các cấp khen thưởng nhiều năm liền; về tập thể có: Văn phòng Cấp ủy - Chính quyền huyện, Điện lực Phú Quý, Ban CHQS huyện, Kho bạc Nhà nước huyện...; cá nhân có bà Nguyễn Thị Lợi - Chuyên viên Văn phòng Cấp ủy - Chính quyền huyện, ông Phạm Văn Thanh - Giám đốc Điện lực Phú Quý, ông Tạ Hoàng Văn - Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện, ông Ngô Phương Hải - Đại úy, Tiểu đoàn trưởng Dự bị động viên/Ban CHQS huyện... Trong ngành Giáo dục có các tập thể: Trường Tiểu học Tam Thanh, trường THCS Ngũ Phụng; cá nhân có: bà Huỳnh Thị Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Thanh, bà Nguyễn Thị Bé Hai - Giáo viên trường Mầm non Tam Thanh, bà Huỳnh Thị Ngọc Hà - Giáo viên trường Mầm non Ngũ Phụng, bà Trần Thị Xuân Thảo - Giáo viên trường Mầm non Long Hải, bà Ngô Thị Hồng Hoa - Giáo viên Trường TH Long Hải, bà Đỗ Thị Hồng Hoa - Giáo viên Trường TH Ngũ Phụng, ông Nguyễn Minh Đức - Giáo viên trường THCS Tam Thanh. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” nổi bật có ông Nguyễn Phúc Thùy - Đại úy, Đội trưởng Đội CQĐT, Công an huyện. Phong trào thi đua trong công tác cải cách hành chính có tập thể Ban Tổ chức - Nội vụ, UBND xã Tam Thanh, cá nhân có ông Bùi Trọng Đông - Công chức Văn phòng - Thống kê xã Tam Thanh; đặc biệt, trong công tác nhân đạo, từ thiện, tích cực tham gia đóng góp, thực hiện tốt các lĩnh vực văn hoá, an sinh xã hội có bà Lê Thị Mông Duyên - Thôn Mỹ Khê xã Tam Thanh, ông Đỗ Kim Long - Thôn Hội An xã Tam Thanh, bà Phạm Thị Hạnh - thôn Hội An xã Tam Thanh, bà Nguyễn Thị Hồng Vân - thôn Thương Châu xã Ngũ Phụng, ông Nguyễn Văn Giởi - thôn Thương Châu xã Ngũ Phụng, ông Võ Minh Liểm - thôn Quý Thạnh xã Ngũ Phụng, ông Trần Lít - thôn Quý Hải xã Long Hải, ông Nguyễn Chứ - thôn Tân Hải xã Long Hải,…

Gắn với các phong trào thi đua, trong 05 năm qua, UBND huyện đã kịp thời khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng, cụ thể như: Tặng danh hiệu Lao động tiên tiến cho 341 tập thể và 3298 cá nhân; danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở cho 172 cá nhân; Giấy khen cho 519 tập thể và 1012 cá nhân. Được UBND tỉnh tặng Cờ Thi đua cho 03 tập thể; Lao động xuất sắc cho 24 tập thể; Bằng khen cho 07 tập thể và 13 cá nhân; Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh cho 01 cá nhân.

                                                                                            Ngọc Phú



([1]) Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, homestay phục vụ du lịch (Năm 2016: 158 cơ sở, năm 2017: 176 cơ sở, năm 2018: 273 cơ sở, năm 2019: 397 cơ sở).

([2]) Năm 2016 kết quả thu NSNN là 24,737/23tỷ đồng, đạt 107,55% dự toán tỉnh giao; năm 2017 là 37,51/20tỷ đồng, đạt 187,55% dự toán tỉnh giao; năm 2018 là 38,595/20tỷ đồng, đạt 192,98% dự toán tỉnh giao; năm 2019 là 37,584/22tỷ đồng, đạt 170,84% dự toán tỉnh giao và dự ước năm 2020 sẽ thu đạt và vượt kế hoạch tỉnh giao là 27 tỷ đồng.

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Designed by VNPT
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang