Nghị
quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phú Quý, nhiệm kỳ 2015-2020, đã xác định đẩy mạnh
chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lấy kinh tế biển làm trung tâm, để tạo đà
phát triển cho địa phương. Trong 5 năm qua, huyện Phú Quý đã tập trung khai
thác tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, mở rộng khai thác xa bờ, gắn với bảo vệ
chủ quyền biển đảo, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.
Huyện Phú Quý có hơn 1.300 phương tiện là tàu thuyền khai thác ngoài khơi
và ven bờ. Trong đó, thuyền từ 90 cv trở lên 522 chiếc, sản lượng khai thác
bình quân hàng năm hơn 29 nghìn tấn, tăng 19,1%/năm so với giai đoạn
2010 – 2015. Đạt được kết quả trên, là nhờ
trong thời gian qua, huyện Phú Quý đã vận dụng tốt Nghị định 67 năm 2014 của
Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, áp dụng hiệu quả chính sách
ưu đãi thuế trong việc đóng mới, nâng cấp tàu thuyền công suất lớn, cải tiến
ngư, lưới cụ, trang thiết bị hiện đại, giúp ngư dân vươn xa khai thác xa bờ.
Các tổ thuyền đoàn kết, nghiệp đoàn nghề cá hoạt động ngày càng có hiệu quả. Đến
nay, toàn huyện có 77 tổ đoàn kết khai thác trên biển, với 522 tàu thuyền, đã
giúp cho ngư dân có điều kiện trao đổi thông tin, kịp thời hỗ trợ nâng cao hiệu quả khai thác
hải sản, tăng cường mối đoàn kết trong cộng đồng, tham gia bảo vệ chủ
quyền biển, đảo góp phần đảm
bảo an toàn, ổn định đời sống cho ngư dân.
Các hoạt động
dịch vụ hậu cần phục vụ nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản như: sửa chữa tàu thuyền, thu mua, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm,
dịch vụ cung ứng nhiên liệu xăng, dầu, sản xuất nước đá… tiếp tục được mở rộng. Đến nay, toàn huyện có 15 cơ sở kinh doanh xăng dầu và 01 kho dự
trữ xăng dầu; 09 nhà máy sản xuất nước đá với tổng công suất 140 tấn/ngày đáp ứng trên 85% nhu cầu tại địa phương; 3 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, đảm bảo việc kéo, sửa chữa cho 100% thuyền nhỏ dưới 90Cv và khoảng 30% lượng tàu
cá trên 90Cv.
Công tác quy hoạch,
phát triển các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế biển được quan tâm
triển khai thực hiện. Huyện đã quy hoạch chi tiết khu Trung tâm
thương mại,
với quy mô là 50 ha; Cụm công nghiệp quy mô 22.52 ha; bổ sung quy hoạch vùng nuôi tôm bố mẹ; khu nuôi trồng hải sản Lạch Dù được sắp
xếp phù hợp. Giao thông vận tải biển phát triển mạnh, đã thu hút được 4 dự án tàu trung,
cao tốc đi vào hoạt động, với tổng số vốn trên 257 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tranh thủ tối đa các nguồn vốn để đầu tư hoàn
chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế biển như: Kè chống xói lở bảo vệ bờ biển, Khu neo đậu
tránh trú bão cho tàu cá, cải tạo đê chắn sóng Cảng Phú Quý, giúp
ngư dân yên tâm hơn trong hoạt động khai thác
thủy sản.
Với những lợi thế tiềm năng biển
đa dạng và phong phú. Trong thời gian tới, Huyện Phú Quý sẽ tập trung nguồn lực phát triển toàn diện kinh tế biển cả về khai thác, nuôi
trồng và các dịch vụ hậu cần; đổi mới phương thức khai thác hợp
lý gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường. Nâng cao năng lực
các đội tàu khai thác, dịch vụ hậu cần trên biển; xây dựng đội tàu công suất lớn,
trang thiết bị hiện đại, khai thác xa bờ gắn với thực hiện tốt các chính sách hỗ
trợ ngư dân; Xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hậu cần nghề cá như: Khu cảng
cá, chợ cá đầu mối hải sản, cụm cơ khí đóng mới và sửa chữa tàu thuyền; Khu neo
đậu tránh trú bão cho tàu cá. Nâng cao
năng lực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an toàn cho người và các phương tiện
hoạt động trên biển. Nâng cao chất lượng
dịch vụ vận tải biển tuyến Phú Quý - Phan Thiết; khuyến khích các thành phần
kinh tế đầu tư tàu cao tốc và dề nghị sớm đầu tư sân bay Phú Quý. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về bảo
vệ nguồn lợi thủy sản, chấm dứt việc khai thác hải sản bằng chất nổ, chất độc hại,
vi phạm vùng biển nước ngoài,
đảm bảo sự phát triển ổn định nghề cá của huyện. Qua đó,
nâng cao năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo đời sống cho ngư dân.
Trí
Nguyễn