Hòn Tranh là một đảo nhỏ cách Phú Quý
2km về hướng Đông Nam. Đây là một đảo tiền tiêu có rất ít cư dân sinh sống. Đã bao lần tôi đến đảo nhỏ Hòn tranh, nhưng lần này
cảm xúc thật khó tả; mấy lần trước chỉ biết ngắm cảnh trời, non, nước và tranh
thủ lưu giữ những hình ảnh đẹp. Lần này đến với đảo nhỏ Hòn tranh ngoài việc
chiêm ngưỡng những phong cảnh đẹp chúng tôi lại có dịp khảo sát Miếu Trấn Bắc
Quận Công Bùi Huy Ích (Bùi Tá Hán).
Từ xa, chúng tôi nhìn thấy Miếu Trấn Bắc nằm
trên một ngọn đồi thoai thoải, hoang vắng, trầm mặc với bao mưa nắng của thời
gian, thoắt ẩn, thoắt hiện dưới những rặng dừa và những cây bàng cổ thụ xanh
ngát. Địa hình, cảnh quan nơi đây trong lành mát dịu, xen lẫn một chút tâm
linh, huyền bí khiến chúng tôi không khỏi bâng khuâng, chạnh lòng.
Miếu Trấn Bắc Hòn Tranh
Miếu Trấn Bắc được tạo dựng vào đầu thế kỷ XIX, quần thể Miếu hướng
về phía Tây Nam đón gió biển và ánh nắng vàng dịu của chiều tà. Phía tả có
thanh long (rồng xanh), bên hữu có Bạch hổ (cọp trắng) chầu phục. Phía sau miếu
là ngọn đồi Huyền vũ (rùa đen), phía trước là Chu tước (sẻ đỏ), minh đường rộng
bao la tạo thành một địa thế rất tốt trong mộ huyệt phong thuỷ âm trạch. Đây là một ngôi miếu nhỏ và không có cổng tam quan như
ta thường thấy trong các di khác. Bên phải miếu là lăng mộ thờ 72 ông Nam Hải
cùng “lụy” một lúc (theo tương truyền của người dân trên đảo, năm đó không biết
vì lý do gì mà cùng một lúc có 72 con cá voi chết và trôi dạt lên đảo
Hòn Tranh. Người dân địa phương đã làm
lễ an táng, sau đó xây lăng tẩm và thỉnh ngọc cốt của 72 vị nói trên đưa vào thờ
phụng).
Tẩm thờ 72 Ngọc cốt Cá voi
Ngôi miếu này đã được trùng tu vào năm 1994.
Phía trước là khoảng sân rộng lát gạch Bát Tràng. Ngôi miếu có lối bài trí đơn
giản nhưng khá cổ kính. Phía trên phần nóc mái là dòng chữ “Miếu Trấn Bắc” và
các chữ Hán ở phía trên: “Bắc trấn miếu - Thái bảo Phủ quân”. Nhưng đặt chân
bước vào chánh điện, tấm hoành phi với ba chữ Hán “Hưng Đạo vương” sẽ đập vào
mắt ta trước tiên bởi nó được treo ngay trên lối cửa ra vào. Trên bàn thờ
Thần nằm ngay trung tâm chánh điện là hai bài vị của Bùi Quận Công và Nữ thần
Thiên Y A Na và di ảnh Trần Hưng
Đạo. Hai khám hai bên tả hữu thờ Tiền hiền và Hậu hiền. Nội dung bài vị của Bùi Quận công như
sau: “Cung thỉnh Trấn Bắc quân Đô đốc phủ
Chưởng phủ sự Thái bảo Bùi Quận công Thượng đẳng thần”. Tạm dịch: “Kính mời thần Thượng đẳng Bùi Quận công là
Trấn Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thái bảo an vị”.
Vậy Trấn Bắc Bùi Quận Công là ai? Căn cứ vào bài vị có
thể xác định “ông Trấn Bắc” vốn họ Bùi, giữ chức Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thái
bảo Quận công. Theo Đại Nam Liệt truyện Tiền biên, tước vị Đô đốc phủ Chưởng
phủ sự Thái bảo Quận công từng được ban cho Bùi Tá Hán. Và tên gọi “ông Trấn
Bắc” là do nhân dân yêu mến đặt cho ông – người vốn rạng danh với công bình trị
và khai phá vùng đất Quảng Nam vào thế kỷ 17. Bùi Tá Hán (1496-1568) là người
huyện Chương Nghĩa thuộc Quảng Ngãi. Ông làm quan với triều Lê từ chức quan nhỏ
địa phương (tức thổ quan) thăng dần tới chức Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự,
Tổng trấn Quảng Nam, Thiếu bảo Trấn Quận công. Ông chú trọng ban ơn huệ, khoan
hòa với quân dân và được trăm họ yêu mến.
Khám thờ Trấn Bắc, Hưng Đạo Đại
Vương và Thiên Y A NA
Năm Mậu ngọ (1558) buổi đầu Thái tổ Hoàng đế (tức Nguyễn
Hoàng) vào Nam trấn thủ Thuận Hóa, thường có giặc phía đông (quân nhà Mạc ở
phía bắc Thuận Quảng) vào cướp. Ông đem quân Quảng Nam tiếp ứng, giặc không dám
xâm phạm. Ông lại thường cầm quân đánh dẹp ác Man ở Đá Vách thuộc Quảng Ngãi.
Dọc theo núi ông cho đặt sáu bảo để khống chế ngăn chặn, biên cảnh nhờ vậy được
yên ổn. Ông là một trong những tướng lĩnh đứng vào hàng khai quốc công thần
thuở ban đầu Nam tiến.
Năm Mậu thìn, Thái tổ hoàng đế thứ 11 (1568) ông mất, được
tặng là Thái bảo. Về sau nhiều lần hiển hiện linh ứng, triều đình lệnh cho sở
tại lập miếu thờ, ban cho áo mũ và đồ dùng thật để thờ cúng. Năm Minh Mạng thứ
13 (1834) gia phong là Khuông quốc Tĩnh biên Thụ đức Thượng đẳng thần.
Tại Phú Quý
có giai thoại kể lại rằng: Trong những đợt giao tranh với nghĩa quân Tây
Sơn, những lúc bại trận Nguyễn Ánh cùng tướng lĩnh và binh sĩ thường bôn
tẩu ra đảo Phú Quý để
trú ẩn, miếu thờ Bùi Huy Ích là Đô Đốc tùy tướng bảo vệ Nguyễn Ánh, giúp cho
Nguyễn Ánh trốn chạy khỏi Tây Sơn. Hiện nay, bên đảo Hòn Tranh còn lưu lại
một số di tích liên quan đến Nguyễn Ánh và tùy tướng của Ông, trong đó có một
giếng nước ngọt quanh năm mà người dân trên đảo quen gọi là giếng Gia Long để
tưởng nhớ đến những tháng ngày Nguyễn Ánh cùng các tuỳ tướng của Ông đã từng lưu trú và sử
dụng nước tại giếng này để phục vụ sinh hoạt.
Tổng thể Miếu
Trấn Bắc gồm có các hạng mục như: Cổng chính, Chính điện, nhà Khói và lăng thờ
thần Nam Hải (cá voi). Cách
Miếu Trấn Bắc khoảng 200m về hướng Đông Nam có giếng Gia Long, giếng sâu 7m,
được xây bằng đá san hô, thành giếng cao 80cm, đường kính 1,2m. Giếng có nước
quanh năm và rất ngọt, trong khi các giếng kề cạnh đó nước có vị lợ không uống
được. Lâu nay, giếng Gia Long là nguồn cung cấp nước ngọt để uống
và phục vụ sinh hoạt cho các doanh trại quân đội đóng trên đảo Hòn Tranh.
Trong Miếu chạm khắc các câu đối chữ Hán Nôm.
Xin trích dịch nội dung một câu đối như sau:
Thánh đức phù bang, ủng
dũng thanh danh phong Trác vĩ
Thần công phụ thế,
thông tri phổ đạt thưởng Tĩnh biên
Tạm dịch:
Đức thánh phò nước, uy dũng tuổi tên còn đó, xứng phong thần Trác vĩ
Công thần giúp đời, thấu suốt thông
tường mọi lẽ, đáng thưởng bậc Tĩnh biên
Trên lọng khám hai bên đắp nổi một câu đối chữ Hán Nôm bằng vôi
vữa:
Sinh vi tướng
phù nguy vĩ các
Hóa tồn thần tế khốn nhân gian
Tạm
dịch:
“Sinh là tướng phù
nguy hết thảy
Thác thành thần cứu khổ nhân gian”
Các vua triều Nguyễn đã phong tặng cho Bắc Quân Đô Đốc 3
sắc phong và chỉ dụ cho ba làng Hội An, Triều Dương, Mỹ Khê thờ phụng. Trong đó có một sắc phong của
niên hiệu vua Đồng Khánh năm thứ 2 phong cho Bắc Quân Đô Đốc và Nam Hải Cự Tộc
Ngọc lân tôn thần. Tất cả các sắc phong đều được lưu giữ tại vạn An Thạnh, đến
ngày cúng tế tại đền thờ Trấn Bắc mới tổ chức đoàn rước sắc phong từ vạn An Thạnh
sang đền Trấn Bắc tế lễ và sau đó tổ chức rước trở về lại vạn để thờ phụng. Các đời vua triều Nguyễn đã phong sắc: sắc Tự Đức
ngày 29 tháng 11 năm thứ 5, sắc Đồng Khánh ngày 01 tháng 7 năm thứ 2 và sắc
Khải Định ngày 25 tháng 11 năm thứ .
Tại Miếu Trấn Bắc hàng năm thực hiện
hai kỳ tế lễ chính vào ngày 12 tháng ba cúng Bà Thiên Ya Na (Bà Chúa Ngọc) và
ngày mùng 7 tháng tám âm lịch cúng Ông Trấn Bắc. Trình tự các nghi thức tế lễ đều
theo quy trình như lễ
hội diễn ra tại Vạn An Thạnh. Do Miếu nằm bên đảo nhỏ hòn tranh nên ít người qua lại,
cảnh vật hoang vắng, thâm nghiêm, huyền bí nhưng rất sạch sẽ, bởi lẽ nhiều ngư
phủ sau mỗi chuyến biển dài ngày họ lại đến chiêm bái, cầu mong trời êm, biển
lặng, mùa màng được bội thu.
Rời gót, khi bóng tà đã tịch liêu, hoàng hôn
chầm chậm buông dưới ánh nắng vàng nhạt yếu dần, những con Nhạn biển lạc
bầy kêu thảnh thót sau một ngày di trú kiếm ăn mệt mỏi tìm về chốn
nghỉ. Ca nô rẽ sóng lướt đi, ngoảnh đầu nhìn lại miếu Trấn Bắc thoắt ẩn,
thoắt hiện rêu phong, cổ kính trong màn đêm dần mờ ảo. Lòng mình cảm kích các
bậc tiền nhân đã khai sơn, phá thạch, tạo dựng cơ đồ, tiếng thơm muôn thuở
làm gương cho hậu thế phải phát huy, gìn giữ đến mai sau. Dòng chảy của
lịch sử mãi không ngừng, các giá trị văn hóa sẽ dần mai một nếu như
chúng ta không bảo tồn và phát huy di sản./.
Bài,
ảnh: Lý Thơ