Chập chững
vào nghề
Tốt nghiệp THPT, tôi vào TP Hồ Chí Minh học lớp nghiệp
vụ Phát thanh viên – MC truyền hình 3 tháng rồi về xin việc tại Đài Truyền
thanh- Truyền hình huyện đảo Phú Qúy. Ở huyện đảo xa xôi này, trước giờ chỉ có
phát thanh chưa có truyền hình. Tôi là Phát thanh viên đầu tiên lên sóng truyền
hình, cái cảm giác là “người đầu tiên” nên áp lực lắm, lúc đó phải cố gắng đọc
cho tròn vành rõ chữ, phải pha tiếng cho giống “tiếng đất liền” (bởi phát âm
theo “tiếng đảo” đâu phải ai cũng nghe được), sửa đi sửa lại nhiều lần và rồi đêm
đó cũng tôi được “lên sóng” trình làng. Sáng ra cả đảo hầu như ai cũng biết
tôi, gặp tôi ai cũng cười, cũng hỏi làm tôi cảm thấy vừa thẹn thùng vừa hãnh
diện.
Nhận tháng lương đầu tiên với 600 ngàn đồng
tôi vui mừng khôn xiết và ngay lập tức dùng số tiền đó mua cây son, hộp phấn để
“ điểm tô” cho hình ảnh Phát thanh viên truyền hình còn rất mới mẻ của mình.
Tôi nhớ như in trận bão năm 2006 làm gãy trụ Ăng-ten
phát sóng của Đài, các chương trình hoàn toàn bị “ tê liệt”, lúc đó tôi phải ngồi
trên xe loa để đi khắp các con đường, mọi ngõ hẻm đến những nơi bị thiệt hại do
ảnh hưởng của cơn bão để tuyên truyền và thông báo những thông tin cần thiết đến
bà con nhân dân. Tôi không quen ngồi xe, hay bị say xe nên vừa đọc vừa kêu xe dừng
lại vì buồn nôn nhưng rồi tôi cũng cố gắng hoàn thành tốt nội dung hôm đó. Đó là một
trong nhiều kỷ niệm khó quên trong những ngày tháng chập chững bước chân
vào nghề.
Nặng lòng
với nghề
Những năm
sau này, tôi có theo học lớp cử nhân Xã hội học hệ tại chức và được đào tạo
thêm nghiệp vụ báo chí, nên cũng tham gia viết tin, bài. Mặc dù những bài báo
đó chưa thật hay, phải nhờ biên tập sửa đi sửa lại nhưng tôi vẫn cố gắng để
chỉn chu hơn trong những bài viết sau. Có thể nói, trong hành trình nghề nghiệp
Phát thanh viên của mình, tôi nhận ra rằng để có được thành công, có được sự
yêu mến của khán thính giả, ngoài chất giọng tốt, người Phát thanh viên phải
có tấm lòng, có tình yêu đối với mỗi câu chữ của mình.
Chẳng
con đường nào chỉ trải toàn hoa hồng, không có thành công, vinh quang nào dễ
dàng có được và nghề Phát thanh viên cũng vậy, cũng đầy chông gai, thử thách, dễ
vấp ngã. Ở mỗi thể loại chương trình, người dẫn cần phải nhanh nhạy, linh hoạt,
biết cách xử lý tình huống sao cho “ngọt”, cho phù hợp để truyền tải thông
tin đến khán thính giả một cách dễ hiểu nhất, thời sự nhất.
16 năm công tác tại Đài, nay là Trung tâm Văn hoá Truyền thanh-Truyền
hình huyện Phú Qúy, tôi học được rất nhiều điều từ đồng nghiệp và cả những
người làm báo khác. Tôi thấy mình trưởng
thành, nặng lòng hơn với nghề. Theo thời gian, mặc dù đã có không ít người đã không
còn “mặn mà” với nghề nữa nhưng với tôi, nghề Phát thanh viên đã trở thành cuộc
sống, thành hơi thở, thành tâm huyết của chính cuộc đời tôi.
16
năm không phải là khoảng thời gian quá dài nhưng đây là một chặng đường để tôi lớn lên với nghề, với bao buồn
vui trong công việc, trưởng thành từng ngày khi đối mặt với thành công lẫn thất
bại. Nếu được chọn nghề một lần nữa, tôi vẫn chọn nghề làm báo, làm Phát thanh
viên truyền hình.
Bích Dung.