“Đi dải” nét văn hóa đặc trưng gắn liền với lễ hội truyền thống đảo Phú Quý
06/12/2023
Chữ 帶 có âm Hán là [đái] có
nghĩa là dải, đai, dây thắt lưng. “Dải” còn có ý nghĩa tương tự là: từ dùng để
đặt trước những danh từ chỉ một vật có kích thước dài. Ví dụ: dải núi, dải
sông, dải đất,…
Âm [dải] là âm Việt hóa của [đái].
Trong cách sử dụng từ
“đi dải” của người đảo: dùng để chỉ một hoạt động văn hóa trong dịp lễ hội hát
bội truyền thống được diễn ra hàng năm của các tổ chức tín ngưỡng: Lăng, vạn,
miếu, chùa, làng trên đảo. Trong văn hóa “đi dải”, những người tham gia hoạt
động này từ xưa đến nay thường sẽ mặc áo dài là trang phục truyền thống để thể
hiện sự trang nghiêm và bày tỏ lòng thành kính.
Hình ảnh “dải lụa của những tà áo dài thướt
tha” trong hoạt động này có thể có liên quan đến tên gọi “DẢI”. Khi “đi dải”, theo thông lệ sẽ xếp thành 1
hàng dài từ ngoài cổng đi thẳng vào khu vực chánh điện thờ phụng của nơi tín
ngưỡng. Người đi đầu tiên trong hàng là đại diện cho nhóm đi dải, trên tay bưng
1 dĩa gồm: Bình hoa hoặc trái cây (gọi chung là hoa quả) và kèm theo phong bì
để phụng cúng. Quy cách xếp 1 hàng dài trong hoạt động “đi dải” trở thành 1
“dải người”, yếu tố này cũng có thể có liên quan đến tên gọi “DẢI” trong văn
hóa “đi dải”.
Trong đời sống hiện
đại ngày nay, các lễ hội văn hóa địa phương dễ bị mai một theo thời gian. Vì
vậy, đây là một trong những dịp để những người trẻ chúng ta tiếp cận nhiều hơn,
mang tính kế thừa những lễ hội truyền thống đậm bản sắc văn hóa địa phương.
Nhất là trong thời kỳ phát triển du lịch hiện tại, những người trẻ chúng ta cần
nắm bắt, gìn giữ và phát huy để du lịch không chỉ mỗi cảnh đẹp - ẩm thực; mà du
lịch Phú Quý còn là điểm đến của những bản sắc văn hóa truyền thống vùng biển
đảo.
-Thổ
địa đảo Phú Quý-