Đọc Kỷ yếu tiểu sử làng Phú Mỹ qua các thời kỳ

Mới đây, tôi được anh đồng nghiệp tặng cho cuốn sách được in ấn đẹp, với nhiều thông tín thú vị về làng Phú Mỹ - một trong 9 ngôi làng ở đảo Phú Quý hồi năm Kỷ Dậu (1909). Trước thời điểm vừa nêu, Phú Quý có tất cả 12 làng, vì không đủ số đinh nên chính quyền cho phép sáp nhập, làng Phú Ninh và Mỹ Xuyên gộp lại thành Phú Mỹ. Hiện nay, Phú Mỹ và làng An Hòa hợp thành thôn Phú An thuộc xã Ngũ Phụng.

anh tin bai

Trang bìa “Kỷ yếu tiểu sử làng Phú Mỹ qua các thời kỳ”

Trong lời giới thiệu, các tác giả cho biết: “Trong mỗi chúng ta, dù làm ăn sinh sống ở tất cả nơi đâu, tâm của mỗi người luôn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình … Thật tiếc thay qua các đời của các bậc tiền nhân đã có công khai sơn phá thạch, nhưng không chấp bút ghi lại lịch sử…. Vì lẽ đó con cháu muốn tìm lại hiệu viết của làng cũng như các ngôi thờ tự”. Và từ năm 1993 đã sưu tầm truyện tích, để rồi cho ra cuốn sách này.

Về cấu trúc, sách được chia thành 4 mục. Mục thứ nhất, chỉ rõ vị trí địa lý và địa giới. Làng Phú Mỹ nằm trên trục đường liên xã, với diện tích 40 nghìn m², tứ cận như sau: phía Đông giáp biển xóm Cội (thôn Phú Long), phía Bắc và phía Tây giáp xã Long Hải, phía Nam giáp làng An Hòa (thôn Phú An, xã Ngũ Phụng).

Từ những ngày đầu sáp nhập (ngày 25/2/1909), làng Phú Mỹ có dân số khoảng 200 người, sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và quơ đập bằng lưới quét ven bờ; đời sống nhiều khó khăn.

Mục thứ 2, về tín ngưỡng. Nhóm tác giả Nguyễn Hữu Phương cho biết: dù khó khăn về kinh tế nhưng vì lòng tin kính thần linh nên toàn dân đồng lòng chung tay tạo lập lên các ngôi miếu, đình, lăng vạn để thờ.

Theo thống kê, làng Phú Mỹ có đến 5 ngôi tín ngưỡng dân gian, gồm: miếu thờ thần Bạch mã Thái giám, lăng thờ thần Nam hải, dinh thờ thầy Nại, đình thờ Vua trời, miếu thờ Quan công và 1 ngôi chùa thờ Phật. Điều đặc biệt, phần sự tích tạo lập các ngôi tín ngưỡng có nhiều chi tiết thú vị, như câu chuyện về quá trình xây dinh thầy Nại dưới đây.

Vào một sáng nọ, nhóm trẻ đang chơi u mọi tại Bàu Bưng, bỗng có một chú bé nhập cốt tự xưng là Thầy Nại. Việc này khiến cho nhóm trẻ trong làng ngơ ngác, bán tín bán nghi nên mời về làng để người lớn hỏi chuyện. Khi về đến đầu làng, đứa trẻ cho biết mình là thầy Nại có mộ chí tại doi đất nhô ra biển (ngày nay là khu vực mộ Thầy, thuộc địa bàn xã Long Hải). Vì thấy nhân dân trên đảo có lòng tín ngưỡng nên muốn nương đồng cưỡi cốt để mách bảo với bổn thôn rằng: “Nếu đồng ý xây dinh thờ ta, ta sẽ hộ cho bổn thôn thân cung tráng kiện và hộ cho quốc thới dân an”.

anh tin bai

Bổn điền chuẩn bị lễ vật trong một lễ tế Thầy Nại.

anh tin bai

Rước sắc phong trong lễ tế thầy Nại ngày mùng 4 tháng 4 hàng năm.

Bổn thôn nghe vậy lấy làm mừng, khẩn Thầy chỉ nơi để bổn thôn lập dinh thờ. Vừa dứt lời, chú bé ấy mới dẫn đến nơi Thầy chọn (Đền thờ thầy Nại hiện nay). Nhưng khu đất dự định làm dinh lại có một cây duối rất to đến 4 người ôm. Vì gốc duối đứng ở trung tâm khu đất chọn xây dinh (địa phương gọi là tim dinh) nên cần phải dời đi. Thanh niên 12 làng (lúc chưa sáp nhập) được huy động đến phát quang xung quanh, nhưng gốc duối thì không thể bứng lên nổi nên ai cũng phiền lòng. Bỗng nhiên lại có một chú bé nhập cốt chạy đến xưng là thầy Nại và yêu cầu dân làng chuẩn bị lễ vật (cháo, mía, hương đèn,…) để ngài khao âm binh. Sau khi binh gia thọ dụng lễ vật dâng cúng sẽ cùng ngài nhổ gốc duối to trên.

Một hương án được lập với đầy đủ lễ vật, sau khi khấn xong, chú bé dứng dậy ôm gốc cây duối nhổ lên và vác đi nơi khác. Một ngôi tín ngưỡng được dựng lên bằng tranh tre, vách đất. Sau nhiều lần trung tu, dinh thờ thầy Nại mới khang trang như ngày nay. Với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của địa phương, ngày 7/9/2010, UBND tỉnh Bình Thuận đã công nhận Đền thờ thầy Sài Nại là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 1993/QĐ-UBND.

Từ trước đến nay khi nói tín ngưỡng dân gian ở đảo Phú Quý thường chỉ đề cập đến tín ngưỡng thờ thần Nam Hải, thờ thầy Nại, Bàn Tranh,…. Mà ít ai nhắc đến tín ngưỡng thờ Quan công (Quan thánh đế quân), nay nhờ đọc cuốn sách này mà tác giả mới biết rõ hơn.

Theo nhóm tác giả Nguyễn Hữu Phương, ý tưởng lập miếu thờ Quan thánh (còn gọi là chùa Ông, tên chữ là Quan Linh) là của ông Chánh tổng Bùi Quang Gieo. Khi ấy, ông đích thân trao đổi với ban khánh tiết của làng để vận động xây chùa. Tuy nhiên vì điều kiện kinh tế khó khăn làng không kham nổi, nên ông tổng Bùi hứa nếu được sự thống nhất của làng thì gia đình ông sẽ cho mượn vốn xây chùa, dân đóng góp thiếu thì phần còn lại gia đình ông cho mượn trả, đến khi nào làng có trả dần.

Trước khi dựng chùa, đích thân ông Bùi Quang Gieo ra tận kinh đô Huế để hợp đồng với thợ xây dựng, chọn kiểu (như chùa Từ Đàm). Bộ 3 bức tượng Quan Công, Quan Bình và Châu Thương cũng được đúc trong dịp này (hồi 0 giờ ngày mùng 3 tháng 11 năm Nhâm Tý (1912). Đến năm Giáp Dần (1914), động thổ đặt đá xây dựng chùa, đến năm Đinh Tỵ (1917) chùa xây xong, dân làng Phú Mỹ có tổ chức lễ xuất giá Quan thánh vãng dân.

Mục thứ 3-4-5-6 là danh sách Lý trưởng qua các thời kỳ, những lần tu sửa các ngôi thờ tự, danh sách Chánh tổng các thời kỳ lịch sử và quá trình phát triển nền giáo dục dùng chữ quốc ngữ trên đảo.

“Kỷ yếu tiểu sử làng Phú Mỹ qua các thời kỳ” chủ yếu viết sự tích các ngôi thờ tự với những truyền thuyết nhuốm màu huyền ảo. Tuy nhiên với niềm tự hào về truyền thống lịch sử - văn hóa của quê hương nên nhóm tác giả Nguyễn Hữu Phương đã cất công sưu tầm, biên soạn nên quyển sách này để lưu giữ lại ký ức của làng quê; cùng một số thông tin sử liệu có giá trị. Tuy còn một số hạn chế cần phải bổ sung; xong quyển sách bước đầu giúp những người trẻ hiểu hơn cội nguồn văn hóa – lịch sử địa phương. Tập sách cũng là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích góp phần tìm hiểu kho tàng văn hóa dân gian trên hoàn đảo xinh đẹp này.

THÀNH DANH

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Designed by VNPT
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang