Sáng 30 tháng Chạp, các đình làng,
lăng vạn và tộc họ trên đảo Phú Quý long trọng tổ chức lễ dựng cây nêu đón năm
mới Giáp Thìn. Nghi thức dựng nêu gắn với lịch sử khai phá và quản lý đảo tiền
tiêu nên được gìn giữ suốt hàng trăm năm nay.
Theo các bô lão, là người Việt Nam
không ai không biết câu chuyện cây nêu ngày Tết, vốn được lưu truyền từ ngàn
đời nay trong văn hóa Việt. Tục dựng nêu ngày Tết cổ truyền ở đảo Phú Quý cũng
nằm trong dòng chảy đó. Hình ảnh cây tre/cây nêu ngày Tết còn nhắc nhở về hành
trình gian khó của những lớp lưu dân đến khai phá và bảo vệ chủ quyền biển đảo Phú
Quý.
Cờ thần trước vạn An Thạnh
(xã Tam Thanh) được thượng lên vào sáng 30 Tết Giáp Thìn.
Theo tục lệ, từ sớm tinh mơ bô lão các làng tề tựu
về đình làng, lăng vạn, đền thờ,… để làm lễ thượng nêu; sau những nghi thức tâm
linh một lá cờ đại ngũ sắc được kéo lên để báo hiệu với tiền nhân ngày Tết cổ
truyền của dân tộc đã về trên đảo Phú Qúy. Sau nghi thức ở các ngôi tín ngưỡng,
các từ đường tộc họ cũng tiến hành thượng nêu.
Thân cây
nêu ở đảo Phú Quý là một đoạn tre dài khoảng 5 mét. Có thể được sơn những màu sắc
sặc sỡ. Theo truyền thống trên đỉnh nêu buộc chùm lá tre và một số vật tín ngưỡng
(giấy vàng bạc, trầu cau); trên đó còn gắn biểu tượng linh thú như rồng, phượng
và lá cờ Tổ quốc.
Cây nêu có gắn đầu rồng trong một gia
đình ở xã Long Hải.
Được biết,
ngư dân Phú Quý cũng cột chùm lá tre cùng các vật tín ngưỡng trên những chiếc
tàu đánh cá của họ. Các hộ dân gốc đảo đi “kinh tế mới” trước đây, hiện sống một
số nơi trong đất liền cũng giữ cổ lệ này.
Cây nêu có gắn biểu tượng chim phượng
trong một gia đình ở xã Ngũ Phụng.
Dựng nêu
là một nghi thức quan trọng, mở đầu cho một năm mới nên được chuẩn bị chu đáo,
cẩn trọng; người dựng nêu phải là người lớn tuổi, chủ gia đình với khăn áo chỉnh
tề.
Ngoài biểu tượng rồng, phượng
người dân còn gắn biểu tượng con cá trên thân nêu (ảnh chụp tại xã Long Hải).
Có
tận mắt chứng kiến nghi thức dựng nêu sáng 30 Tết ở Phú Quý mới cảm nhận hết ý
nghĩa đặc biệt của cổ lệ này. Cây nêu ngày Tết không chỉ để trừ mà quỷ, mà
còn nhắc nhở những người trẻ hãy dành những ngày nghỉ Tết hướng về Tổ tiên, nhớ
đến công ơn tiền nhân đã có công khai khẩn và giữ gìn đất đai để cháu con có
được cuộc sống như hiện nay.
Cùng với
đó, khai thác biển được được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện đảo.
Do đó, tục dựng cây nêu hay đơn giản là treo một nắm lá tre và cờ Tổ quốc trên những
chiếc tàu đánh bắt xa bờ còn là biểu tượng thiêng liêng tiếp thêm sức mạnh, niềm
tin và ý chí cho những chàng trai xứ đảo tiếp tục vươn khơi bám biển; phát triển
kinh tế gia đình và phát huy “tinh thần Thánh Gióng” viết tiếp bản hùng ca giữ
vững chủ quyền biển đảo mà các thế hệ ông cha trao truyền.
THÀNH DANH