Nghề làm khám thờ ở Phú Quý đã tồn
tại rất lâu đời, có thể từ vài chục năm đến hàng trăm năm nay, đã có rất nhiều
nghệ nhân điêu khắc trên đảo từng trải qua nghề này, đây được xem là nghề truyền
thống để được lưu giữ và phát triển đến hôm nay, trên đảo giờ chỉ còn số ít. Điển
hình như ông Trần Thiện Nghiệp tại xã Long Hải huyện Phú Quý là một trong những
người còn làm nghề này.
Đến thăm xưởng làm nghề khám thờ của ông Trần Thiện Nghiệp tại thôn
Đông Hải xã Long Hải huyện Phú Quý. Tâm sự với chúng tôi, ông Nghiệp cho biết
gia đình ông làm nghề này đã hơn 32 năm. Trước khi đến với nghề này, ông cũng từng
trải qua rất nhiều nghề khác nhau như đi biển, làm thợ hồ nhưng thấy các nghề
này quá vất vả, khó có thể gắn bó được lâu dài. Khi đó, trong gia đình có ông nội
và cha của ông đều làm nghề khám thờ này. Từ đó ông quyết định theo học nghề để
làm, do có tính cần cù, chịu khó trong nghiên cứu học tập, thêm phần đam mê, kể
từ đó cái nghề làm khám thờ bén duyên với ông và gắn bó đến tận bây giờ.
Qua tìm hiểu
được biết, bộ khám thờ ở Phú Quý hoàn chỉnh thường được gọi là khám thờ kép. Bộ
phận trên cùng mặt trước của khám gọi là tấm mày. Mày được khắc 2 con rồng đối
xứng nhau. Bên dưới mày là chân quỳ, chạm khắc bộ tứ quý mai, lan, cúc, trúc
cách điệu tượng trưng cho sự tươi đẹp, hòa thuận của thiên nhiên trong 4 mùa.
Hai trụ long đăng ở hai bên, tượng trưng cho 2 cột nhà. Từ trên xuống dưới của
long đăng, chạm trổ hình rồng, phượng ôm lấy thân trụ. Phần ngoài cùng hai bên
gọi là cánh quạt, người ta chạm trổ các hình ảnh, hoa văn của 4 con vật tứ
linh: Long, lân, quy, phụng.
Để có được những hình ảnh sắc sảo
này, đòi hỏi người thợ điêu khắc phải thật sự kỹ lưỡng, cẩn thận, khéo léo và
tài hoa. Một bộ khám hoàn chỉnh phải trải qua rất nhều công đoạn tỉ mỉ, nhưng
có thể tóm tắc ở 3 công đoạn chính: chuốt gỗ, đục chạm và cuối cùng là sơn vẽ.
Gỗ làm khám phải là gỗ tốt, có độ cứng, chắc chắn khi đục chạm sẽ không ảnh hưởng
đến hoa văn, họa tiết trên thân gỗ.
Để đưa hoa văn vào khám thờ, người
thợ phải vẽ phác thảo những đường nét họa tiết bằng bút chì trên tờ giấy trước,
sau đó mới in lên mặt gỗ rồi đục chạm theo đường nét. Khám thờ có đẹp hay
không được quyết định ở công đoạn này. Bàn tay người thợ
quyết định đường nét theo độ nông sâu của từng chi tiết. Cuối cùng là sơn vẽ.
Công đoạn này không có một công thức nào, mà hoàn toàn dựa theo sự khéo léo, cảm
nhận màu sắc của người thợ sơn.
Với sự yêu
nghề và khéo léo của đôi tay, cộng với kính nghiệm nhiều năm trong nghề, khám
thờ của ông Nghiệp làm ra cho khách hàng đều rất uy tín và chất lượng. Hiện nay,
ngoài xưởng đang làm tại nhà này; gia đình ông đã mở thêm một xưởng nữa tại xã
Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam - TP. Phan Thiết. Ngoài việc làm khám thờ thì xưởng
của gia đình ông Nghiệp cũng làm thêm đồ nội thất như: tủ, bàn ghế và các vật dụng
trong nhà.
Với sự uy tín, chất lượng và nhiều mẫu mà đẹp,
xưởng gia đình ông Nghiệp được nhiều người khách hàng đến đặt hàng. Điều đáng quý
trọng là các con của ông đang dần tiếp cận nghề truyền thống này để tiếp tục
phát huy, cải tiến thêm nghề làm khám thờ từng bước đáp ứng được nhu cầu nghệ
thuật trong thời đại công nghệ.
Nghề làm khám
thờ tuy không vất vả như các nghề khác nhưng nó đòi hỏi sự khéo léo, tính nhẫn
nại và lòng đam mê yêu nghề. Hiện nay trên địa bàn xã Long Hải huyện Phú Quý, duy
nhất gia đình ông còn làm nghề khám thờ. Hy vọng rằng các con của ông sẽ kế thừa
và phát huy giá trị tốt đẹp của nghề truyền thống trong tương lai.
Trúc Sinh – Anh Tuấn