Đầu triều Nguyễn, đảo Phú Quý có tên là Vu Đảo hay Hòn Khoai;
sau gọi Thuận Tĩnh (thuộc huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận). Dù “ở xa ngoài biển”, nhưng từ sớm đã
có dân cư quần tụ thành 11 thôn, hàng năm biệt nạp thuế vải trắng (bạch bố) cho
triều đình. Sử liệu cho biết, đảo này “đất xấu dân nghèo, chuyên trồng lúa đỏ
và khoai nương để sống”. Do vậy, sau khi ổn định triều chính, vua Gia Long (1802-1820)
đã cho rà soát lại và nhận thấy rằng thuế vải đối với dân Vu Đảo là nặng, nên “sai châm chước định giảm cho” (1).
Đảo
Phú Quý (đóng khung đỏ) trong Đồng Khánh
địa dư chí (1887).
Không chỉ giảm
thuế, người dân đảo Thuận Tĩnh cũng được vua Minh Mạng (1820-1841) cho phép tráng
đinh không sung quân làm lính. Bởi “bọn họ ở cheo leo mãi ngoài biển, đường biển xa cách
nếu dồn bổ làm lính tỉnh thì đi lại thay đổi, thực có điều không tiện. Vậy gia
ơn đều cho rút về sổ dân, theo lệ cung nộp thuế vải” (2).
Cột cờ chủ quyền trên đảo Phú Quý hiện
nay.
Vùng biển đảo từ Bình Thuận xuống Hà
Tiên giáp với hải phận các nước Đông Nam Á nên thường bị hải tặc Chà Và, Đồ Bà
cướp phá. Thời điểm hoạt động mạnh của các nhóm hải tặc này là vào mùa gió nam
(từ tháng 5 trở đi). Riêng ở đảo Phú Quý thì thường có giặc Đồ Bà và Tàu Ô (Thanh/Trung Quốc) quấy nhiễu.
Trong một báo
cáo đề ngày 29/1 năm Minh Mạng thứ 14 (Quý Tỵ, 1833) của Lý trưởng 11 thôn
(Thới An, Mỹ Xuyên, An Hòa, Phú Ninh, Hương Lăng, Thương Hải, Hải Châu, Thoại
Hải, Mỹ Khê, Triều Dương và Hội Thuyên) kê khai các loại súng đạn hiện có trên
đảo. Số binh khí này là do thuyền Gia Định cung cấp cho người dân đảo Thuận
Tĩnh chống lại một toán giặc Tàu Ô đổ bộ lên đảo cướp bóc trước đó (3).
Cũng trong năm
1833 (tháng 8, Quý Tỵ), người Phú Quý lại phải đương đầu với hải tặc Đồ Bà. Sách
Đại Nam thực lục chép lại sự kiện này
như sau: “Thuyền giặc Đồ Bà hơn 20 chiếc
lén lút xuất hiện ở đảo Thuận Tĩnh tỉnh Bình Thuận. Dân sở tại đánh nhau với
giặc bị thương chết hơn 100 người. Tỉnh phái Phó lãnh binh là Phạm Văn Huyền và
Phó quản cơ cơ Thuận tráng là Dương Văn Khoa quản lĩnh thuyền quân đi dò bắt,
đến đảo Mao Dữ đánh và đoạt được 1 chiếc thuyền của giặc, bắt được 3 tên, bắn
giết rất nhiều. Việc ấy đến tai nhà vua, vua thưởng cho lũ Phạm Văn Huyền mỗi
người 5 đồng ngân tiền phi long hạng lớn (loại đúc bằng bạc – Đ.T.D); quân, dân
300 quan tiền. Người bị thương, chết được cấp tiền có thứ bậc” (4).
Ghe câu Bình Thuận do J.B. Piétri vẽ đầu
thế kỷ XX.
Dẫn lại báo
cáo ngày 10/9 năm Quý Tỵ (1833) của Lý trưởng làng Thới An, tác giả Nguyễn Xuân
Lý cho biết, vào ngày mùng 9/7, thình lình có 32 chiếc thuyền của hải tặc Đồ Bà
cập đảo Thuận Tĩnh bắn chết 32 người dân; trong đó có 4 người ở làng Thới An (5).
Các vụ hải tặc
cướp bóc đảo Phú Quý không những được chính sử và văn bản hành chính làng xã
ghi lại, nó còn được lưu truyền trong dân gian, phản ánh tinh thần chống giặc,
bảo vệ biển đảo quê hương của người dân Phú Quý xưa. Trong quá trình điền dã
tại xã Long Hải, chúng tôi được ông Trần Thanh Phong kể lại và cho xem kịch bản
Tiếng trống còn vang. Vở cải lương này
được biên soạn dựa theo câu chuyện được người xưa kể lại, rằng:
Vào đời Kiều
Huy Mạng (?) làm thủ lĩnh cai quản, có tướng giặc Đồ Bà đưa quân vào chiếm đảo
nên các hương thôn phải lẫn trốn. Lúc bấy giờ con trai của Kiều Huy Mạng là
Kiều Huy Tạng cũng dẫn đứa con gái đầu lòng tên là Kiều Mi xuống thuyền nan đi
lánh nạn, để lại người vợ tên Đoàn Thị Cẩm Đương đang mang thai đứa con thứ 2.
Trước khi đi, Kiều Huy Tạng bẻ đôi chiếc trâm, một nửa đưa cho vợ giữ. Bà Cẩm
Đương ở lại sinh đứa con trai, đặt tên Kiều Huy Vạn. Khi Huy Vạn lên 5 tuổi thì
mẹ mất nên phải ở lại ông ngoại Đoàn Châu. Lúc Huy Vạn lên 9, ông ngoại cũng
mất. Trước lúc lâm chung ông Châu giao nửa chiếc trâm cho Huy Vạn rồi căn dặn
cháu đi tìm cha và chị gái.
Sau khi củng
cố lực lượng, đoàn quân của Kiều Huy Tạng trở về, đánh đuổi hải tặc Đồ Bà ra
khỏi đảo. Nhiều công trình diễn tập, phòng thủ quân sự cũng được xây dựng sau
đó, mà Gò Tạng là một minh chứng. Sau đó hải tặc Tàu Ô do đô đốc Hại Hương và
Nu Xầm dẫn đầu lại đến cướp đảo Phú Quý. Lúc bấy giờ trong đội ngũ của Kiều Huy
Tạng có tên Phạm Đột vì ham chức quyền nên tiếp tay cho giặc, khiến quân Huy
Tạng thua to. Dưới sự giúp sức của nữ chúa Bàn Tranh (?) và bà trấn thủ Văn
Giàng (?) đã làm tàu giặc số thì chìm, số bị cháy, tướng Nu Xầm bỏ chạy còn Hại
Hương bị dân bắt giữ. Quân Huy Tạng vì thế thắng lớn. 2 cha con họ Kiều cũng có
ngày trùng phùng nhờ có nửa chiếc trâm làm tin.
Bảo vệ dân
vùng biển đảo giữ một vị trí rất quan trọng trong chính sách của các vua Nguyễn,
được Đại Nam thực lục chép lại rất
nhiều lần. Theo quan điểm của vua Minh Mạng, các hòn đảo ở
nước ta từ xưa dân cư đã đông đúc, nhưng trước năm 1834 nhà nước chưa cấp phát
cho thuyền và khí giới để phòng chống khi hải tặc đến cướp bóc. Do vậy nhà vua
“truyền dụ cho tổng đốc, tuần phủ, bố chính và án sát các tỉnh ven biển, xét
xem những hòn đảo nào có dân ở thuộc về hạt mình, thì sức sai sửa sang chỉnh
đốn những thuyền đánh cá đi thực mau lẹ, số dân nhiều thì 3 chiếc, ít thì 2
chiếc, mỗi thuyền chứa được độ trên dưới vài chục người, phí tổn bao nhiêu, Nhà
nước sẽ trả. Rồi liệu cấp phát cho trường thương, súng điểu sang và thuốc đạn,
khiến họ đi tuần tiễu. Nếu gặp giặc biển, thì một mặt đem nhau chống đánh, một
mặt ruổi thuyền đi báo để khỏi chậm trễ lỡ việc” (6).
Vua Minh Mạng còn cho rằng, những việc làm
trên chỉ là biện pháp trước mắt. Muốn cho hải phận yên lặng lâu dài “tất phải
một phen xếp đặt có quy củ”. Theo đó “chuẩn cho các viên được suy xét tính toán
kỹ, hoặc nên đặt pháo đài, phái binh đến phòng giữ, hoặc nên mộ hương dõng ở đó
để phòng vệ cho dân; làm thế nào cho đi đến chỗ tốt đẹp thỏa đáng, thì bàn kỹ
tâu lên, chờ Chỉ để thi hành” (7).
Văn bản hành
chính thế kỷ XIX hiện còn lưu tại Phú Quý cho biết, cả đảo được chia thành 5
toán, riêng Thới An và Hải Châu mỗi thôn 1 toán. Số vũ khí được chia như sau:
Thới An có 1 khẩu thần công, 4 khẩu điểu thương, 20 khẩu hỏa hổ, 5 cây trường
thương, 5 cân thuốc súng. Thôn Hải Châu cũng được cấp như Thới An, nhưng số
thuốc súng là 1 yến 2 cân (1 yến = 10 cân = 6,045 kg) (8).
Thuyền buôn
nước ngoài cập đảo cũng được người dân cảnh giác cao độ. Ví như sự kiện 2 chiếc
tàu Tây Dương ghé vào năm Nhâm Dần (1842). Lúc bấy giờ chức việc trên đảo đuổi
mãi nhưng chiếc tàu này vẫn không chịu đi. Việc trình lên, vua Thiệu Trị bảo
rằng: “Tàu của Tây Dương vào đó nếu chỉ vì sự cần dùng củi, nước, không có ý gì
khác thì cứ cho họ lên gần bờ kiếm củi, gánh nước. Không cho họ được tự tiện
vào nhà dân, cũng không nên xua đuổi ráo riết, để họ cho rằng mình không rộng
lòng” (9).
Thay lời kết
Thế kỷ XIX, ở các
vùng biển đảo Bình Thuận thường xuyên đối đầu với hải tặc Tàu Ô, Đồ Bà, Chà Và.
Cùng với sự góp sức của nhân dân trong vùng thì những biện pháp của triều
Nguyễn đã làm nên sự thành công trong công tác phòng chống cướp biển, đem lại cuộc
sống yên bình cho nhân dân. Chùm bài viết trên đây đã điểm qua các vụ cướp trên
biển Bình Thuận, cũng như chính sách của triều Nguyễn sẽ là bài học kinh nghiệm
cho công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay.
Chú thích:
(1). Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục (bản dịch Viện Sử học), tập 1. Nxb Giáo Dục (2007).
(2). Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục (bản dịch Viện Sử học), tập 5. Nxb Giáo Dục (2007).
(3) (8). Trung tâm
Nghiên cứu Hán Nôm (Viện KHXH tại Tp. HCM). Sưu tầm tư liệu Hán Nôm trên đảo
Phú Quý, Bình Thuận (2000).
(4). Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực
lục (bản dịch Viện Sử học), tập 3. Nxb
Giáo Dục (2007).
(5). Nguyễn Xuân Lý. Người xưa bảo vệ đảo Phú Quý. Website Liên hiệp các Hội Khoa học và
Kỹ thuật Việt Nam (2010).
(6) (7). Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực
lục (bản dịch Viện Sử học), tập 4. Nxb
Giáo Dục (2007).
(9). Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực
lục (bản dịch Viện Sử học), tập 6. Nxb
Giáo Dục (2007).
THÀNH DANH