Giới thiệu các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn huyện Phú Quý

Huyện đảo Phú Quý có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời. Với 35 di tích lịch sử – văn hóa đủ mọi loại hình và niên đại trải đều trên một diện tích tự nhiên gần 17,82 km2 của đảo là một bằng chứng lịch sử sinh động chứng minh cho quá trình khai phá và xây dựng đảo của các bậc tiền nhân. Các di tích đó còn nói lên sức sống mãnh liệt của nhân dân qua hàng trăm năm giữa biển khơi, làm rạng rỡ nguồn gốc con người Phú Quý nơi hải đảo xa xôi. Với 35 di tích tôn giáo, tín ngưỡng trong đó có 3 di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia và 7 di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Xin được giới thiệu khái quát các di tích lịch sử - văn hoá đã được các cấp công nhận trên địa bàn huyện đến tháng 5/2017 để nhân dân, học sinh, sinh viên và du khách tìm hiểu, tham quan những di tích đặc sắc, đậm nét sắc thái vùng biển đảo

1.Di tích lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia Thắng cảnh Linh Quang Tự

Chùa Linh Quang

Từ khi tạo dựng đến nay, người dân trên đảo gọi tên chùa là “Linh Quang Tự” nhằm cầu mong hào quang, ánh sáng của chùa luôn linh hiển soi sáng để cứu độ dân chúng trên đảo có cuộc sống an bình và hạnh phúc. Linh Quang Tự là ngôi chùa khởi đầu gắn liền với sự truyền bá ánh sáng Phật Giáo ở Phú Quý. Không chỉ là một nơi có quang cảnh đẹp, mà Linh Quang Tự là ngôi chùa tiêu biểu trên các lĩnh vực lịch sử, văn học, nghệ thuật so với các ngôi chùa khác ở trên đảo.

Linh Quang Tự là ngôi chùa cổ nổi tiếng về qui mô cũng như nghệ thuật kiến trúc, tôn giáo, lễ nghi, có những cảnh trí thiên nhiên đa dạng xứng đáng là danh lam thắng cảnh của đảo Phú Quý. Nếu tính niên đại chính thức của ngôi chùa theo gia phả để lại thì chùa được kiến tạo, tu bổ lại vào năm Đinh Mão 1747 đời Vua Lê Hiển Tông – niên hiệu Cảnh Hưng thứ 8. Đến nay (2017) ngôi chùa đã có niên đại 270 năm và cũng đến nay đây là một trong những ngôi chùa có niên đại sớm nhất ở Bình Thuận. Với những giá trị và ý nghĩa tiêu biểu đó, chùa Linh Quang được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng thắng cảnh cấp Quốc gia tại Quyết định số 51 QĐ/BT ngày 12/01/1996.

2. Di tích lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia Vạn An Thạnh

Vạn An Thạnh tọa lạc trên một bãi cát trắng sát cạnh bờ biển thuộc Thôn Triều Dương, xã Tam Thanh. Tên gọi Vạn An Thạnh nói lên ước nguyện có một cuộc sống an khang, thịnh vượng của bà con ngư dân nơi đây. Vạn thờ cá Ông cùng thờ Thành hoàng bổn xứ và Tiền hiền, Hậu hiền. Vạn An Thạnh được tạo dựng vào năm Tân Sửu (1781), là Vạn có niên đại sớm nhất so với các Vạn khác ở Phú Quý. Tại Vạn còn lưu giữ bộ xương cá Nhà Táng thuộc họ cá Voi, bộ xương có chiều dài trên 17m, có 50 đốt xương, cá có 30 đôi răng mọc ở hàm dưới (tương truyền lúc cá mới dạt vào bờ nặng khoảng 40 tấn), bộ xương đã được phục dựng và hiện đang trưng bày tại nhà trưng bày xương Cá Voi trong khuôn viên của Vạn.

Vạn An Thạnh

Du khách tham quan Nhà trưng bày xương cá Voi

Ngoài những giá trị văn hóa dân gian truyền thống Vạn An Thạnh là một Bảo tàng văn hóa biển tồn tại đã 236 năm (tính đến năm 2017), với nhiều sưu tập những chủng loại cá voi và rùa da. Có thể xếp vào hạng các Bảo tàng về biển có niên đại cổ xưa trên thế giới. Trong những năm gần đây nhiều nhà nghiên cứu về Hải dương học, những đoàn khách du lịch nước ngoài đến đảo đã rất thích thú về việc bảo quản, giữ gìn di vật trong Vạn An Thạnh. Vạn An Thạnh như một chứng nhân bao đời của lịch sử vùng đảo. Những giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và văn học dân gian sẽ được kế thừa tiếp tục phát triển những điểm tốt, hạn chế và loại bỏ dần những biểu hiện tiêu cực trong lễ nghi để sẵn sàng chuyển giao tốt cho thế hệ mai sau. Vạn An Thạnh được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích cấp Quốc gia, tại Quyết định số 51/QĐ/BT ngày 12/01/1996.

3. Di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Công chúa Bàn Tranh

Đền thờ công chúa Bàn Tranh được gọi theo tên của công chúa vương quốc Chămpa là Bàn Tranh. Đền thờ do người Chăm xây dựng vào cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI để thờ công chúa Bàn Tranh, toạ lạc tại xã Long Hải.

Truyền thuyết kể rằng, công chúa Bàn Tranh vì không nghe lời vua cha nên bị kết tội phản nghịch và bị lưu đày ra hoang đảo. Nàng được ban cho một số nô tỳ để hầu hạ và một chiếc thuyền buồm làm phương tiện ra đi. Từ đó họ bắt đầu vỡ đất, làm nương, câu cá và tạo lập cuộc sống mới trên đảo hoang. Công chúa Bàn Tranh là người có công đầu trong việc đưa lên đảo những giống lương thực, hoa màu và hướng dẫn người dân trên đảo khai khẩn đất đai làm ruộng vườn, hình thành xóm làng và chỉ dạy người dân cách trồng trọt, làm nghề…. Với những công lao to lớn đó, người Chăm nói riêng và nhân dân trên đảo Phú Quý nói chung đã tôn vinh gọi đền thờ công chúa Bàn Tranh hay đền thờ Bà Chúa Xứ.

Đền thờ Công Chúa Bàn Tranh

Lễ hội đền thờ công chúa Bàn Tranh diễn ra vào ngày mùng 3 tháng giêng âm lịch đây cũng là ngày kỵ của Bà. Do lễ hội diễn ra đúng vào dịp tết Nguyên Đán nên thu hút hầu như toàn bộ người dân trên đảo tham gia. Đền thờ công chúa Bàn Tranh là di tích mang nhiều dấu ấn, giá trị về văn hóa, lịch sử, phản ánh rõ nét quá trình tiếp biến, giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Chăm trong quá trình lịch sử giữa vùng biển đảo xa xôi. Đồng thời thể hiện nét đẹp trong đời sống văn hóa dân gian của cộng đồng cư dân Phú Quý từ trước đến nay. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật nói trên, đền thờ công chúa Bàn Tranh được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia, tại quyết định số: 227/QĐ-BVHTTDL ngày 28/01/2015.

4. Di tích lịch sử - Văn hoá Cấp tỉnh Đền thờ Thầy Sài Nại

Đền thờ (Dinh Thầy) được người dân trên đảo xây dựng vào cuối thế kỷ XVII để thờ thầy Sài Nại. Thầy Sài Nại là tên gọi kính cẩn của người dân trên đảo đối với vị thương gia người Hoa đã có công bảo bọc, chở che và cưu mang người dân xứ đảo qua nhiều thế hệ. Đền thờ tọa lạc trên một ngọn đồi cao tại thôn Phú An, xã Ngũ Phụng (riêng mộ của Thầy nằm ở Thôn Đông Hải, xã long Hải).

Đền thờ Thầy Sài Nại

Truyền thuyết về thầy Sài Nại được người dân Phú Quý lưu truyền theo hai nội dung khác nhau sau đây:

Thầy Sài Nại vốn là nhà địa lý thiên văn tài ba người Trung Quốc. Thầy thường theo các thuyền buôn của người Hoa vượt đại dương đến nhiều nước trên thế giới để hành nghề. Qua nhiều chuyến hải trình, có lần Thầy và các thủy thủ đoàn ghé lên đảo Phú Quý để nghỉ ngơi, từ đó Ông mới phát hiện địa hình, địa thế đảo Phú Quý là vùng địa linh so với các hòn đảo khác. Chính vì thế sau khi rời đảo, Thầy đã thổ lộ với các thủy thủ đoàn và gia đình ước nguyện của mình là khi qua đời hãy đưa tro cốt của Ông tới đảo Phú Quý an táng.

Đền thờ thầy Sài Nại là di tích mang nhiều dấu ấn, giá trị về văn hóa, lịch sử, phản ánh rõ nét quá trình tiếp biến, giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Hoa trong quá trình chung sống giữa vùng biển đảo xa xôi. Đồng thời thể hiện nét đẹp trong đời sống văn hóa dân gian của cộng đồng cư dân Phú Quý từ trước đến nay. Trải qua hơn 300 năm tồn tại, được các thế hệ người người Chăm rồi đến người Việt của các làng trên đảo kế tiếp nhau trông nom, tôn tạo, thờ phụng và thực hiện các nghi thức tế lễ theo đúng tập tục xưa. Với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể còn bảo lưu, gìn giữ đến hôm nay UBND tỉnh Bình Thuận đã công nhận Đền thờ thầy Sài Nại là Di tích Lịch sử Văn hóa Cấp Tỉnh tại Quyết định số 1993/QĐ-UBND ngày 07/9/2010.

5. Di tích lịch sử - Văn hoá Cấp tỉnh Đền thờ Bà Chúa Ngọc và Vạn Thương Hải:

Đền thờ Bà Chúa Ngọc và Vạn Thương Hải

Đền thờ Bà Chúa Ngọc và Vạn Thương Hải được tạo dựng vào giữ thế kỷ XIX nằm trên địa phận Thôn Thương Châu, xã Ngũ Phụng, tọa lạc trên một bãi cát trắng sát cạnh bờ biển. Quần thể kiến trúc của di tích tuy được bố trí trong cùng một khuôn viên nhưng có hai chức năng thờ phụng khác nhau. Nhìn từ hướng đối diện thì ngôi chính điện bên tả thờ Bà Chúa Ngọc (còn gọi là Pô Inư Nagar hay Thiên Ya Na Diễn Ngọc Phi - một vị nữ thần được người Chăm tôn vinh là Bà Mẹ Xứ Sở). Ngôi chính điện bên hữu thờ Ông Nam Hải (cá Voi) và các bậc Tiền, Hậu hiền có công quy tập dân cư đến khẩn hoang, sinh cơ lập nghiệp, lập làng theo tín ngưỡng ngư nghiệp.

Hàng năm, tại đền thờ Bà Chúa Ngọc và Vạn Thương Hải diễn ra hai kỳ tế lễ chính: Tế Xuân vào tháng Giêng âm lịch và Tế Thu vào tháng Tám âm lịch.

Trải qua hơn 200 năm tồn tại, Đền thờ Bà Chúa Ngọc và Vạn Thương Hải đã được sửa chữa, trùng tu nhiều lần. Với những giá trị di tích độc đáo và đặc sắc, Đền thờ Bà Chúa Ngọc và Vạn Thương Hải được UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số: 2958/QĐ-UBND ngày 16/11/2007.

6. Di tích lịch sử - Văn hoá Cấp tỉnh Vạn Mỹ Khê (Lăng Cô):

Vạn Mỹ Khê được tạo lập từ năm 1785, đến nay đã trải qua hơn 231 năm tồn tại. Vạn là thiết chế tín ngưỡng dân gian gắn liền với tập tục thờ cúng cá voi của ngư dân làng Mỹ Khê qua nhiều thế hệ trong cuộc sống mưu sinh trên biển đảo. Sự tồn tại của di tích gắn liền với quá trình khai khẩn đất đai, tạo lập làng xóm và xây dựng lăng vạn của các thế hệ cha ông ngày trước.

 

Vạn Mỹ Khê

Hàng năm, tại vạn Mỹ Khê diễn ra 3 kỳ tế lễ chính vào dịp xuân thu nhị kỳ theo tập tục “xuân cầu thu báo” và lễ kỵ Cố vào ngày 20 tháng tư âm lịch. Lễ tế xuân diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch, mục đích của nghi lễ này để khẩn cầu thần Nam Hải phù trợ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thuyền ra khơi đánh bắt đầy tôm cá. Tế thu trong khoảng thời gian từ tháng bảy đến tháng chín âm lịch, mục đích của nghi lễ này để tạ lễ, báo đáp thần Nam Hải đã phù hộ, độ trì và bảo trợ cho dân làng qua một năm làm ăn gặp nhiều thuận lợi, may mắn để có một cuộc sống khấm khá và sung túc.

Lễ kỵ Cố diễn ra ngày 20 tháng tư âm lịch, đây cũng là dịp lễ hội chính yếu và quan trọng nhất hàng năm của vạn. Đây là lễ tế vị thần Nam Hải đầu tiên lụy và trôi dạt vào bờ được ngư dân làng Mỹ Khê làm lễ an táng, thượng ngọc cốt và đưa vào lăng tẩm để thờ phụng theo tập tục, tín ngưỡng dân gian lâu đời của ngư dân vùng biển.

Với những giá trị văn hoá đặc sắc, Vạn Mỹ Khê được UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng di tích lịch sử - Văn hoá Cấp tỉnh tại Quyết định số 2154/QĐ-UBND ngày 30/10/2012.

7. Di tích lịch sử Văn hoá cấp tỉnh Đình - Vạn Hội An

Đình - Vạn Hội An được tạo dựng vào cuối thế kỷ XVIII để thờ Thành hoàng Bổn cảnh, thần Nam Hải và các bậc tiền hiền, hậu hiền của làng theo tín ngưỡng của cư dân sống bằng nghề nông và ngư nghiệp.

Đình – Vạn Hội An

Đình và Vạn Hội An tọa lạc ở Thôn Triều Dương, xã Tam Thanh. Đây là thiết chế tín ngưỡng dân gian hàm chứa 2 chức năng thờ phụng chính gắn với sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng người Việt theo quan niệm thần Thành hoàng che chở, bảo trợ cho làng xã; thần Nam Hải (cá voi hay cá Ông) cứu giúp ngư dân trên biển theo tín ngưỡng ngư nghiệp truyền thống của người dân vùng biển. Ngoài ra, tại di tích còn thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền có công quy tụ dân cư khẩn hoang lập làng, dựng đình và vạn ngày trước.

Hàng năm, tại đình - vạn Hội An diễn ra 3 kỳ tế lễ chính vào dịp xuân thu nhị kỳ theo tập tục “xuân cầu thu báo” và lễ kỵ Cố vào ngày mùng 01 tháng sáu âm lịch. Đình – Vạn Hội An được UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng di tích lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh tại Quyết định số 2155/QĐ-UBND ngày 30/10/2012.

8. Di tích lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh Đình Làng Triều Dương:    

Đình làng Triều Dương

Đình Triều Dương là nơi tôn thờ Thành Hoàng bổn cảnh và các bậc tiền nhân đã có công khai mở đất và tạo lập làng. Theo tài liệu để lại, đình làng Triều Dương được khởi dựng vào năm 1773. Đình làng Triều Dương là loại hình di tích kiến trúc dân gian gắn với đời sống nông, ngư nghiệp của nhân dân, là nơi thờ Thành Hoàng bổn cảnh, các vị thần linh và các bậc Tiền nhân đã có công bảo trợ, khai phá đất đai và tạo lập xóm làng. Đình làng Triều Dương là tên gọi gắn với quá trình hình thành làng, xây dựng đình và đặt tên đình mang tên làng theo phong tục, tập quán của người Việt trong hành trình Nam tiến khai phá đất đai tạo lập cuộc sống mới.

Trải qua hơn 241 năm tồn tại, đình làng Triều Dương vẫn không thay đổi và vẫn lưu giữ tên gọi xưa, điều đó thể hiện và khẳng định nét đặc trưng của văn hóa làng mà hạt nhân là ngôi đình vẫn trường tồn mãi mãi. Chính những giá trị văn hóa còn được bảo lưu gìn giữ, đình làng Triều Dương được UBND tỉnh Bình Thuận công nhận Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 2959/QĐ-UBND ngày 16/11/2007.

9. Di tích lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh Đình làng Long Hải

Đình làng Long Hải

Đình làng Long Hải (hay còn gọi là nhà Vuông, nhà Ông cha) được khởi dựng vào cuối thế kỷ XVIII, là nơi thờ Thành hoàng Bổn cảnh, các bậc Tiền hiền, Hậu hiền có công quy tập dân chúng khẩn hoang lập làng và dựng đình; đồng thời đình còn là nơi hội họp, giải quyết những công việc hệ trọng của làng và là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng làng xã.

Hàng năm tại đình làng Long Hải tổ chức hai đợt tế lễ (xuân thu nhị kỳ): tế xuân diễn ra vào tháng giêng hoặc tháng hai âm lịch, tế thu vào tháng bảy hoặc tháng tám âm lịch.

Trải qua hơn 200 năm tồn tại, đình làng Long Hải được nhiều thế hệ người dân địa phương đóng góp công sức, tiền của để dựng đình và trùng tu, tôn tạo. Đây là một trong những di tích lịch sử - văn hóa chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu và đặc sắc ở đảo Phú Quý. Với những di tích động sản và bất động sản còn bảo lưu nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật…Nơi đây còn lưu giữ một số di sản tư liệu Hán Nôm và di vật có giá trị gắn với lịch sử, văn hóa của làng Long Hải nói riêng và đảo Phú Quý nói chung hơn 200 năm về trước. Chính vì vậy đình làng Long Hải được UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số: 1995/QĐ-UBND ngày 7/9/2010.

10. Di tích lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh Đền thờ Bà Chúa Ngọc (Miếu Cây Da)                 


Đền thờ Bà Chúa Ngọc

Đền thờ Bà Chúa Ngọc tọa lạc tại thôn Quý Hải, xã Long Hải. Di tích nằm ở phía Tây sát cạnh chân núi Cao Cát - một thắng cảnh đẹp nổi tiếng ở Phú Quý.

Đền thờ Bà Chúa Ngọc là thiết chế tín ngưỡng dân gian được người Việt trên đảo tạo dựng vào nửa đầu thế kỷ XIX để thờ nữ thần Thiên Ya Na mà người Chăm gọi là Pô Ina Nagar - thần Mẹ xứ sở. Người Việt tôn thờ Thiên Ya Na với ước nguyện cầu mong Bà phù hộ, độ trì cho công việc mưu sinh gặp nhiều may mắn, cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Bên cạnh Thiên Ya Na là vị thần được thờ phụng chính tại di tích, tại đền còn thờ Bạch Mã Thái Giám, các bậc tiền hiền và hậu hiền đã có công khai mở đất đai, tạo lập xóm làng và dựng đền.

Tại đền thờ Bà Chúa Ngọc hàng năm diễn ra 3 kỳ tế lễ chính: tế xuân vào ngày 12 tháng giêng, tế thu vào tháng tám hoặc tháng chín và lễ kỵ Bà (giỗ Bà) vào ngày mùng 8 tháng mười âm lịch. Lễ tế xuân diễn ra vào dịp đầu năm để thỉnh cầu bà Thiên Ya Na và các vị thần linh phù trợ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cả nông và ngư nghiệp được bội thu. Lễ tế thu diễn ra vào tháng tám hoặc tháng chín âm lịch, đây là dịp để dân làng trả lễ, báo ân cho bà Thiên Ya Na và các vị thần linh đã bảo bọc, chở che và phù hộ cho dân chúng đạt được những điều đã khẩn nguyện.

Đền thờ Bà Chúa Ngọc chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa cả về vật thể và phi vật thể gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng người Việt ở xã Long Hải nói riêng và huyện Phú Quý nói chung. Từ khi tạo lập đến nay, đền thờ Bà Chúa Ngọc luôn giữ một vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống và sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư địa phương. Chính vì vậy, UBND tỉnh Bình Thuận đã xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh tại Quyết định số 3020/QĐ-UBND ngày 12/9/2014.

Các di tích lịch sử - Văn hoá trên địa bàn huyện hiện nay đã và đang thu hút số lượng khách du lịch đến tham quan ngày càng nhiều. Nhiều tuyến du lịch tham quan các cảnh đẹp của đảo gắn với tham quan các di tích tín ngưỡng, tôn giáo đang hình thành, triển vọng sẽ thúc đẩy du lịch Phú Quý, mạnh mẽ và bền vững hơn trong thời gian đến./.

Bài, ảnh: Lý Thơ


Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Designed by VNPT
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang