Đảo Phú Quý: Bảo vệ rừng – trách nhiệm không của riêng ai!

Phú Qúy là một điểm du lịch đang trên đà phát triển. Song song đó, dân số ngày càng tăng, nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp, đất dịch vụ ngày càng nhiều, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển và mở rộng, trong khi diện tích tự nhiên của đảo lại nhỏ. Chính những điều đó, đã gây áp lực lên quỹ đất hiện có tại đảo, trong đó có đất rừng. Ngoài ra, ý thức của một số người dân chưa cao, chưa nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của rừng mang lại. Vì vậy, rất khó cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đối với điều kiện huyện đảo Phú Qúy, rừng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, điều hòa khí hậu, đảm bảo chức năng rừng phòng hộ cho đảo, đặc biệt là chống xói mòn, chắn sóng, chắn cát bay và là khu vực phòng thủ cho quốc phòng – an ninh. Không những thế, rừng còn giúp giữ nguồn nước ngọt quý hiếm trên đảo. Trong những năm gần đây, tình trạng nước ngọt bị nhiễm mặn và thiếu nước ngọt vào mùa khô đã xảy ra trên đảo, càng cho chúng ta thấy rõ được vai trò quan trọng của rừng đối với đời sống con người và sự cần thiết bảo vệ rừng. Vai trò to lớn của rừng là thế nhưng liệu chúng ta đã nhận thức đúng và “đối xử tử tế” để xứng đáng với những gì mà rừng mang lại hay chưa? Khi mà hiện nay, tình trạng chặt phá cây rừng với ý đồ lấn chiếm đất rừng, cháy rừng vẫn còn diễn ra. Chính những hành động này đã dẫn đến việc rừng bị suy thoái, xuống cấp.

Tại đảo Phú Qúy, theo Quyết định số 3656/QĐ-UBND ngày 27/12/2018 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch 03 loại rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 – 2025. Theo đó, hiện nay diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp giai đoạn 2016 – 2025 của huyện đảo Phú Qúy là 135,26ha, giảm 62,81ha so với năm 2016 (diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp năm 2016 là 198,07ha), giảm do thay đổi mục đích sử dụng đất nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện.

Vào mùa khô, tình trạng cháy rừng vẫn còn diễn ra, dẫn đến hiện tượng xói mòn đất, phủ xanh đồi trọc giảm dần, ảnh hưởng đến chức năng của rừng phòng hộ. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 20 vụ cháy rừng, với tổng diện tích đám cháy khoảng 36.541m2 (đa số các vụ cháy đều do nhân dân dọn rẫy, đốt rác không cẩn thận để cháy lan sang rừng). Hàng năm, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Qúy đều tiến hành công tác trồng dặm đối với các khu vực rừng bị thiệt hại. Tuy nhiên, công tác này cũng gặp nhiều khó khăn, do nắng hạn kéo dài, thiếu nước dẫn đến cây bị khô héo, chết không có khả năng phục hồi, tỷ lệ sống rất thấp. Và do ý thức của một số bộ phận người dân chưa cao, đã chặt cây rừng và phá hoại cây trồng dặm với ý đồ lấn chiếm đất rừng. Cụ thể, trong năm 2019 xảy ra 3 vụ chặt cây rừng làm củi đốt và 2 vụ phá hoại cây trồng dặm.

Trước thực trạng đó, chúng ta cần phải bảo vệ rừng và có biện pháp bảo vệ rừng về lâu dài. Cụ thể như sau:

Về công tác trồng rừng: tích cực trồng rừng nhằm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tăng diện tích rừng phòng hộ và tăng độ che phủ rừng trên toàn huyện.

Về công tác quản lý rừng: Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý triệt để các trường hợp chặt phá, khai thác rừng trái phép, lấn chiếm đất rừng và các trường hợp gây ảnh hưởng đến sự phát triển rừng. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.

Về công tác phòng chống, chữa cháy rừng (PCCCR): đây là vấn đề quan trọng cần đặt lên hàng đầu. Ngoài việc thực hiện của cơ quan chức năng, cần sự tham gia phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn huyện trong việc triển khai thực hiện các quy định về PCCCR, phải chủ động trong công tác phòng cháy, lấy phòng là chính. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt khi ra vào rừng. Khuyến cáo nông dân khi dọn rẫy đốt rác phải thực hiện nghiêm túc việc phòng cháy, chữa cháy, tránh để lây lan ra diện rộng; khi phát hiện vụ cháy cần báo ngay với cơ quan chức năng và trong điều kiện cho phép có thể cùng tham gia chữa cháy rừng.

Về công tác tuyên truyền: đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về bảo vệ rừng, vai trò của rừng đối với đời sống con người và những nguy cơ khi rừng bị tàn phá sẽ như thế nào để cho người dân hiểu và thấy rõ được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ rừng. Để làm tốt công tác này, cần có sự tham gia của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và khối đoàn thể, cần tổ chức lồng ghép chủ đề bảo vệ rừng trong các buổi sinh hoạt, để tất cả đoàn viên, cán bộ, đảng viên hiểu, nắm rõ và tuyên truyền cho gia đình và nhân dân cùng thực hiện bảo vệ rừng. Ngoài ra, còn có các hình thức khác như: Tổ chức các buổi tọa đàm, tổ chức các cuộc thi về chủ đề rừng, dựng pano, treo áp phích cổ động về bảo vệ rừng trên các tuyến đường, tuyên truyền trên báo, đài phát thanh của thôn, xã….

Mặt khác, để giữ được rừng, ngoài sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp thì vai trò của nhân dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi nếu mỗi người dân tại địa phương đều coi việc giữ rừng cũng quan trọng như việc bảo vệ chính gia đình mình thì câu chuyện chặt cây rừng, ý đồ lấn chiếm đất rừng,…sẽ không phải vấn đề khó giải quyết. Song hành với đó, cần hơn cả là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong việc tuyên dương, động viên kịp thời các hộ dân tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Có như vậy, vai trò của mỗi người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng mới được phát huy. 

Như vậy, rừng có vai trò quan trọng đối với cuộc sống con người, vì thế bảo vệ rừng và phát triển rừng cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chính bản thân chúng ta. Đây là việc làm có ý nghĩa cần sự chung tay hợp sức của tất cả mọi người.

                                                                                                          Men Đặng

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Designed by VNPT
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang