Hiệu quả bước đầu thực hiện đề tài: “Ứng dụng mô hình trồng măng tây trên đảo Phú Quý”
         Với mục đích phát triển cây trồng mới, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Được sự quan tâm của UBND huyện Phú Quý, năm 2019 Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Quý đã thực hiện đề tài: Ứng dụng mô hình trồng măng tây trên đảo Phú Quý. Đề tài được triển khai tại 3 xã của huyện Phú Quý với quy mô 600 m2 . Sau thời gian thực hiện, mô hình đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.
          
           Trong khuôn khổ đề tài, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Nông nghiệp Phú Quý đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, địa phương 03 xã Tam Thanh, Long Hải, Ngũ Phụng trong việc triển khai xây dựng mô trồng măng tây. Mô hình bắt đầu trồng giống vào tháng 03/2019, với sự tham gia của 03 hộ nông dân trên địa bàn 03 xã; giống măng trồng tại mô hình là giống được nhập từ Hà Lan do Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Linh Đan Ninh Thuận cung cấp, đây là giống măng tây xanh mới, có năng suất rất cao và phẩm chất tốt, kháng bệnh và thích nghi với điều kiện khí hậu khô hạn, đang được ứng dụng và phát triển với quy mô lớn tại Ninh Thuận. 
         Trước khi xây dựng mô hình, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Nông nghiệp đã tổ chức đưa cán bộ kỹ thuật và đại diện hộ dân đi tham quan học hỏi Kỹ thuật trồng măng tây tại Ninh Thuận, tổ chức tập huấn cho các hộ dân tham gia mô hình về  kỹ thuật trồng và thâm canh cây măng tây do Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận ban hành. Trong quá trình thực hiện, cán bộ kỹ thuật đề tài thường xuyên kiểm tra vườn măng, theo dõi, đánh giá sự phát triển của măng tây, hướng dẫn kỹ thuật, giải quyết những  khó khăn trong quá trình thực hiện trồng măng và phát hiện kịp thời sâu bệnh trên cây măng để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Kết quả thực hiện mô hình cho thấy cây măng tây xanh ở các mô hình đều sinh trưởng tốt, chưa phát hiện sâu - bệnh hại và đã cho thu hoạch chồi măng với năng suất và chất lượng cao. Bình quân lần đầu mỗi ngày thu mầm măng từ 0,8 - 1,5 kg/hộ. Trên cơ sở thực tế và theo tính toán, dự kiến trong năm đầu tiên thu hoạch chồi măng tây xanh được 972 kg/600m2 với giá bán bình quân 80.000đ/kg, trung bình mỗi năm lãi  59.650.500đồng/0,06 ha, như vậy nếu đầu tư 100 m2 trong một năm thu lãi: 9.940.000đồng/100m2/năm (dự kiến mỗi năm có thu 270 ngày thu chồi măng), cao hơn hẳn trồng cây ngắn ngày và các loại rau khác. Đây là dấu hiệu rất khả quan, khả năng nhận rộng và phát triển.
         Bước đầu thành công của đề tài trồng măng tây đã giúp cho nông dân phát hiện cây trồng mới thích nghi với điều kiện huyện đảo, là loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định lâu dài để phát triển kinh tế, mở ra hướng mới cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp. Nhận thấy măng tây xanh là một giống cây trồng khó tính, yêu cầu kỹ thuật chăm sóc và điều kiện sống rất khắt khe. Vì vậy, kết quả đề tài giúp người nông dân thay đổi dần thói quen canh tác truyền thống sang sản xuất khoa học đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng. Bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng, hành động của người nông dân, giúp họ hiểu được rằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích đất canh tác. Song song đó, trồng măng tây đơn giản, có thể tận dụng được lao động nhàn rỗi và người lớn tuổi trong nông thôn hiện nay, tạo công ăn việc làm bền vững, tăng thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế gia đình cho nông dân. 
           Quan trọng hơn cả, trồng măng tây xanh hạn chế sử dụng các loại phân bón hóa học (chủ yếu dùng phân hữu cơ, phân vi sinh), điều này sẽ giúp cải tạo tầng đất canh tác, hạn chế chế đất bị rửa trôi, bạc màu… Góp phần làm tăng độ màu mỡ, phì nhiêu cho đất. Việc này còn giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch, an toàn, góp phần bảo vệ môi trường. Hệ thống tưới tiết kiệm nước nên tỷ lệ tiêu tốn nước thấp. Mặc khác, trồng măng bằng phương thức trồng chìm, vào mùa khô tạo lõm cho hốc măng giúp giữ nước quanh gốc măng, giảm việc thoát nước, giảm tưới tiêu. 
         Tuy nhiên, hiện việc tiêu thụ sản phẩm này còn hạn chế, nhiều hộ dân chưa biết đến cây măng tây cũng như sản phẩm chồi măng tây, đồng thời do diện tích ứng dụng nhỏ, sản phẩm thu hoạch ít, việc tiêu thụ chỉ chủ yếu giới thiệu sản phẩm cho hộ dân trên huyện, chưa đáp ứng việc đưa măng tây vào trong nhà hàng tại Phú Quý nhằm đa dạng hóa ẩm thực, góp phần phát triển du lịch.
           Nhằm tổng kết, đánh giá hiệu quả mô hình, nhân rộng cho nông dân trên huyện, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Nông nghiệp đã phối hợp với Hội nông dân 03 xã triển khai hội thảo cho đại diện nông dân. Tại hội thảo các đại biểu đều khẳng định mô hình trồng cây măng tây xanh đạt hiệu quả tốt, mang lại thu nhập cao hơn hẳn các cây trồng hiện có tại địa phương, sản phẩm măng tây xanh ngon và có nhiều công dụng bổ ích. Tuy nhiên do đây là loại cây trồng hoàn toàn mới, đa số nông dân chưa tiếp cận, chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng trồng. Để mô hình được nhân rộng, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ  Nông nghiệp đề nghị các cấp chính quyền hỗ trợ kinh phí tiếp tục nhân rộng hiệu quả của mô hình. 
                                                                                Phượng Huỳnh

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Designed by VNPT
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang