Măng tây sinh trưởng trên vùng biển đảo
11/10/2019
Măng tây xanh là một trong những loại rau có giá trị
dinh dưỡng cao, có nhiều dược tính, tốt cho sức khỏe, măng tây có chất chống
ung thư, ngăn ngừa lão hóa, tốt cho tim mạch, tăng cường hệ miễn dịch, chống
viêm, đẹp da, giá trị dinh dưỡng cao...,
măng tây đáp ứng được thị trường đòi hỏi về thực phẩm có chất lượng cao.
Là giống cây có nguồn gốc từ nước ngoài, hiện măng
tây xanh đã được trồng khá phổ biến ở miền Nam nước ta. Tuy nhiên, đối với vùng
biển đảo Phú Quý, đây là đối tượng cây trồng hoàn toàn mới. Năm 2019, được sự
quan tâm của UBND huyện Phú Quý, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Nông nghiệp đã
thực hiện đề tài: “ Ứng dụng mô hình
trồng măng tây trong điều kiện đảo Phú Quý”.
Khi mô hình triển khai, người dân còn chưa biết đây
là cây gì, với những người thực hiện đề tài, thì đây là cây hoàn toàn mới, chưa
từng tiếp cận. Tiến hành thực hiện đề tài, Trung tâm đã phối hợp với địa phương
để chọn hộ triển khai mô hình, với quan điểm chọn mỗi xã mỗi hộ làm cơ sở để
người dân học hỏi, nhân rộng mô hình; sau khi tiến hành khảo sát, đã thống nhất
chọn các hộ đạt yêu cầu trong việc thực hiện mô hình đề tài. Là những hộ có tâm
huyết với nghề, có điều kiện để đầu tư xây dựng mô hình, nhiệt tình, có tinh thần học
hỏi, có khả năng tiếp thu và quan tâm ứng
dụng công nghệ mới, có khả năng truyền đạt nhân rộng mô hình; đất trồng
măng là đất đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng hữu cơ, đất có độ pH đạt từ: 6,8 – 7,2,
có nguồn nước tưới, có đủ ánh sáng thích
hợp để cho măng phát triển. Thế đất không được dốc quá 10%, tránh trường hợp bị
xói mòn.
Để tiếp cận kỹ thuật
trồng măng tây, đội ngũ kỹ thuật Trung tâm đã cùng với hộ dân đi học hỏi kinh
nghiệm kỹ thuật trồng măng tây từ Công ty TNHH Nấm Linh Đan Tỉnh Ninh Thuận. Với
nguồn kiến thức tiếp thu sau tham quan, cùng với vốn kiến thức có được từ việc
nghiên cứu các tài liệu kỹ thuật, thông tin trên mạng, đội ngũ kỹ thuật Trung
tâm đã hướng dẫn cho chủ mô hình tiến hành làm đất, lắp đặt hệ thống tưới…
chuẩn bị trồng măng.
Giống măng
được chọn là giống F1, giống có nguồn gốc từ Hà Lan, một loại giống thích nghi
tốt với vùng ít mưa, được Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận nhập khẩu và phân phối tại
Việt Nam. Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc măng tây cho hộ dân, măng tây được trồng
theo hàng, đảm bảo khoảng cách giữa các hàng là 1,2m, khoảng cách cây cách cây
là 0,4m.. Định kỳ cán bộ thực hiện
đề tài đến mô hình để kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của măng tây, kịp thời
tư vấn giúp hộ dân giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Sau
5 tháng triển khai, nhờ chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, cây măng tây
xanh sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ chăm sóc tốt, cây thích nghi với thổ
nhưỡng, phát triển tốt nên đến nay
1/3 hộ đã cho lứa măng đầu tiên, 1 hộ hiện đang dưỡng cây chuẩn bị thu măng. Dự
kiến mô hình sẽ tiến hành nghiệm thu và tổ chức hội thảo đầu bờ vào tháng
9/2019.
Qua
bước đầu thực hiện, nhận thấy trồng măng tây xanh ít tốn công chăm sóc. Cây măng
tây sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu khô hạn. Để măng tây đạt hiệu quả tốt, khâu làm đất là khâu vô cùng
quan trọng, giúp đất tơi xốp, diệt mầm cỏ, xử lý mầm bệnh… Các
loại phân chủ yếu sử dụng phân chuồng ủ hoai để bón cho cây, phân NPK phức hợp
được sử dụng để bón lót hàng tháng với lượng 15kg/ sào. Măng tây được giăng dây
đỡ chống ngã đổ, chăm sóc cắt tỉa và làm cỏ 2 lần/tháng; vệ sinh đất sạch sẽ, thường xuyên tỉa cây già yếu hoặc
bị sâu bệnh để tránh lây sang cây khỏe mạnh. Khi
trồng, cần cung cấp đủ nước cho măng luôn giữ độ ẩm đất 70%, qua 7 giờ tối
không được tưới nước cho măng vì đây là thời điểm măng tây sinh trưởng mạnh. Măng
tây xanh một loài thân thảo, cây rất mềm yếu, khi gió lớn (trên cấp 7) cũng dễ
làm thân cây bị gãy, cần phải che chắn cho cây. Ngoài ra, những ngày mưa to
không để vườn măng bị ngập nước sẽ làm cây bị chết. Việc tưới nước quá nhiều,
mưa lớn cũng làm chồi măng bị ngậm nước bị khô héo.
Nhìn chung thì cây măng tây được
trồng thử nghiệm tại các địa phương trong huyện đang phát triển tốt, có tiềm
năng để mở rộng vùng trồng, dần thay thế một số loại cây trồng kém hiệu quả.
Để
măng tây phát triển thành hàng hóa trong tương lai thì cần nhiều sự quan tâm của địa phương và các cấp, các ngành có liên quan trong
việc hỗ trợ kinh phí nhân rộng mô hình, tư vấn kỹ thuật,
mở các lớp tập huấn hướng dẫn khoa học kỹ thuật và cách chăm sóc cho bà con
nhân dân. Phấn đấu đưa măng trở thành
một trong những cây rau mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương thực
sự là cây trồng giúp nông dân "xóa đói giảm nghèo" trên địa bàn huyện.
Huỳnh Phượng